Phòng ngừa hoạt động "tín dụng đen"

Thứ Hai, 19/12/2022, 20:30 [GMT+7]
In bài này
.

Càng gần Tết Nguyên đán Quý Mão, nhu cầu vốn phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất càng lớn, nhất là thời gian qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến cho kinh tế, đời sống của không ít người bị ảnh hưởng, nhiều lao động rơi vào cảnh khó khăn do mất việc. Lợi dụng điều này, một số đối tượng đẩy mạnh hoạt động cho vay nặng lãi. Mới đây, Công an TP.Vũng Tàu đã lập hồ sơ xử lý vụ cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự xảy ra trên địa bàn đối với Phan Thị Ngọc Hân (SN 1986, trú tại TP.Hồ Chí Minh). Theo hồ sơ, từ tháng 10 đến tháng 12/2022, Hân cho 68 trường hợp vay lãi nặng. Qua làm việc, cơ quan công an xác định 6 trường hợp vay của Hân 211 triệu đồng. Đối tượng đã thu lợi bất chính của 6 trường hợp này gần 35 triệu đồng. 

“Tín dụng đen” là hình thức cho vay tín dụng với lãi suất rất cao (hay nói cách khác là cho vay nặng lãi) từ các cá nhân hoặc tổ chức không được pháp luật Việt Nam công nhận. Hoạt động này diễn ra ngầm. Các đối tượng thường sử dụng Website, ứng dụng điện thoại để quảng cáo những hình thức cho vay với thủ tục đơn giản, người vay chỉ cần cung cấp CCCD. Thậm chí đối tượng cho vay chỉ thông qua quan hệ quen biết. Người vay phải trả lãi suất rất cao, thậm chí có trường hợp trả 12-16%/tháng. Khi người vay cố tình không trả nợ, các đối tượng sử dụng số điện thoại "rác" gọi điện đe dọa, bêu rếu trên Facebook, khủng bố tinh thần buộc phải liên hệ yêu cầu người vay trả nợ cho chúng dẫn đến tâm lý hoang mang lo sợ cho những người không liên quan như người thân, bạn bè, chủ DN.

Một thủ đoạn tinh vi, biến tướng nguy hiểm của "tín dụng đen" hiện nay là đối tượng lập các hợp đồng "giả cách" với người vay thế chấp. Người vay cần vay số tiền lớn trong thời gian ngắn để sử dụng và chấp nhận trả lãi suất rất cao đến khi mất khả năng chi trả sẽ bị buộc chuyển quyền sở hữu tài sản đã thế chấp cho các đối tượng cho vay. Nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn, mâu thuẫn, ly tán…cũng chỉ vì liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh, sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, thông báo những phương thức, thủ đoạn cho vay lãi nặng, hành vi đòi nợ trái pháp luật, hậu quả của "tín dụng đen" để người dân nâng cao ý thức cảnh giác và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Tuy nhiên hoạt động này vẫn còn diễn biến phức tạp.

Phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả và đẩy lùi "tín dụng đen" trong đời sống xã hội là một yêu cầu cấp thiết hiện nay của các cấp, các ngành và nhân dân. Để nâng cao hiệu quả công tác này, cơ quan chức năng cần tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó triển khai tốt hơn nữa công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện những địa bàn phức tạp, các băng nhóm “tín dụng đen”, phòng ngừa và đấu tranh ngay từ khi mới manh nha hoạt động, không để các đối tượng mở rộng phạm vi hoạt động. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" để tạo tác dụng răn đe, phòng ngừa chung.

Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức của người dân về cho vay trong các giao dịch dân sự, về "tín dụng đen", bẫy "tín dụng đen" và hệ lụy của nó gây ra. Các địa phương cũng rà soát, triển khai các biện pháp quản lý đối với người tham gia hụi, góp vốn; phối hợp, giải quyết tình trạng các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng, số thuê bao điện thoại không chính chủ, tạo lập website, ứng dụng điện thoại, tài khoản mạng xã hội không khai báo, đăng ký chính danh. Từ đó, góp phần ngăn chặn hoạt động cho vay nặng lãi, ổn định cuộc sống của người dân, bảo đảm ANTT địa phương.

PHÚC MINH

 

;
.