Bớt một phần âu lo…

Thứ Ba, 13/12/2022, 18:32 [GMT+7]
In bài này
.

“Ngày 12/12, giá xăng lần thứ ba liên tiếp giảm mạnh khi giảm tới 1.504 đồng/lít với xăng RON95 và 1.333 đồng/lít với xăng RON92, trong khi dầu diesel 0.05S cũng giảm thêm 1.543 đồng/lít”…

Những dòng thông tin vắn kể trên thu hút lượng truy cập “khủng” từ độc giả trên các phương tiện truyền thông và tiếp tục được lan tỏa trên các trang mạng xã hội với độ phấn khích cao thấy rõ từ cộng đồng.

Ai cũng biết rằng, đà tăng hay giảm của xăng dầu có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và đời sống dân sinh. Giá xăng dầu chỉ cần “nhúc nhích” nhẹ đã có sự chuyển biến tức thời của giá cả các mặt hàng thiết yếu khác, do phải điều tiết chi phí vận chuyển, sản xuất. Và sự “nhúc nhích” ấy cũng tác động đến bữa cơm từng gia đình, nhất là đối với người lao động có thu nhập thấp, người yếu thế ở cộng đồng. Chính vì vậy, giá xăng dầu được đặc biệt quan tâm, luôn là đề tài “nóng” ở cộng đồng dân cư lẫn các nghị trường và các diễn đàn.

Và không khí háo hức, phấn khởi khi giá xăng dầu giảm mạnh đã lan từ quán xá cà phê đến văn phòng công sở, lan cả vào không gian bếp ăn ở các gia đình. Bởi, không chỉ các bác tài ngồi sau tay lái mới phấn khởi vì giảm phần nhiều chi phí đổ đầy bình xăng mà các bà nội trợ cũng mừng vui ra mặt, thở phào nhẹ nhõm vì có thể vơi bớt phần nào nỗi âu lo khi “năm hết, Tết đến” đang cận kề.

Động thái giảm giá xăng dầu ở thời điểm này một phần do thị trường thế giới có xu hướng giảm, một phần thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong bình ổn giá cả thị trường cuối năm. Những chỉ đạo này được dư luận đánh giá cao và mong muốn tiếp tục giữ đà giảm ổn định về lâu dài, tránh tình trạng giá cả các mặt hàng tiêu dùng khác leo thang vào dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Trước đó, tại Nghị quyết số 156/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022, Chính phủ giao Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả, chủ động triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả, nhất là trong những tháng cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 để giữ ổn định thị trường, giá cả.

Trong đó, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống theo quy định; tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương nghiên cứu việc tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành, trong đó có thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, nhiên liệu bay.

Sử dụng công cụ thuế để điều tiết, làm giảm đà tăng của xăng dầu là một trong nhưng giải pháp được doanh nghiệp và người dân chờ đợi, bởi đây là giải pháp “trong tầm tay” của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

HẠ VY

;
.