Xoay xở để thưởng Tết cho người lao động

Thứ Tư, 14/12/2022, 18:08 [GMT+7]
In bài này
.

Chủ một doanh nghiệp ngành may mặc kể, hơn 1 tháng trở lại đây, cuộc họp giao ban hàng tuần đều tập trung xoay quanh việc bàn bạc, tìm nguồn thưởng Tết cho người lao động. Dù năm nay DN đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, đơn hàng giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhưng việc thưởng Tết cho người lao động không vì thế mà cắt hoặc giảm được. Nếu giữ mức như năm ngoái là 1 tháng lương cơ bản, với gần 300 lao động thì DN này cần tới hơn 2 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ khi công ty đang rơi vào tình trạng giảm đơn hàng. Giữ việc cho người lao động đã khó, lo lương, thưởng cuối năm và dịp Tết lại càng khó hơn.

Câu chuyện thưởng Tết luôn là vấn đề “nóng” được người lao động trông mong khi mà thời điểm Tết nguyên đán đang cận kề. Có muôn vàn thứ cần chi tiêu vào dịp này, nhất là đối với người lao động xa quê. Bởi nếu về quê ăn Tết sẽ phải chuẩn bị một khoản “kha khá” để mua vé tàu xe, chút quà biếu cha mẹ, họ hàng và dành chi tiêu Tết. Nếu ở lại, giảm khoản vé tàu xe thì các thứ còn lại vẫn phải lo sắm sửa, chi tiêu nhiều hơn so với ngày thường. Chính vì vậy, đối với người lao động, tiền thưởng Tết không chỉ là nguồn động viên mà ở đó còn là phần thưởng xứng đáng cho họ sau một năm nỗ lực cùng DN hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch năm.

Trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp đều quan tâm và mong muốn có mức thưởng xứng đáng để động viên người lao động khi cuối năm như DN ngành may mặc kể trên. Thậm chí, dù pháp luật không quy định thưởng Tết là bắt buộc, nhưng đã trở thành một nét văn hóa, thể hiện trách nhiệm của các doanh nghiệp với người lao động. Do đó, dù khó khăn thì các DN cũng tìm mọi cách xoay xở để có nguồn thưởng Tết. Bản chất thưởng Tết là dựa trên hiệu quả 1 năm hoạt động của DN. Nếu DN nào thu lợi nhuận cao thường sẽ có mức thưởng cao. Thưởng Tết cũng là cách giúp người lao động gắn bó lâu dài, cống hiến nhiều hơn cho DN.

Trong bối cảnh cuối năm nay nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, thiếu nguyên liệu sản xuất, dự báo việc thưởng Tết có thể khó khăn hơn. Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký ban hành  Nghị quyết 156 về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2022, yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chuẩn bị các điều kiện hỗ trợ người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo... đón Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 bảo đảm an toàn, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh. Bên cạnh đó, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khuyến khích doanh nghiệp có các biện pháp thiết thực quan tâm chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Đồng thời thanh toán đầy đủ tiền lương, thưởng cuối năm cho người lao động, có biện pháp động viên người lao động sau Tết sớm trở lại làm việc, nắm bắt tình hình về nhu cầu sử dụng lao động trên địa bàn để có phương án tổ chức kết nối cung - cầu lao động, hạn chế tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết. 

Thưởng Tết - chăm lo cho người lao động có một cái Tết đủ đầy xưa nay đã trở thành nét văn hóa DN và cũng là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, bảo đảm “ai ai cũng có Tết”. Điều này còn giúp DN xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và phát triển bền vững. Đây cũng là trách nhiệm xã hội của DN đối với người lao động.

NGÔ GIA

 

;
.