Đầu tư đúng mức cho tư vấn tâm lý học đường

Chủ Nhật, 18/12/2022, 18:51 [GMT+7]
In bài này
.

Trong một lần làm việc với giới truyền thông, bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, thời gian qua, ngành giáo dục đã đẩy mạnh công tác truyền thông, tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề, tư vấn tâm lý… trong nhà trường, để ngăn ngừa và giảm thiểu bạo lực học đường, thế nhưng tình trạng này vẫn không giảm. Trong hơn 2 tháng trở lại đây đã xảy ra 2 vụ bạo lực học đường, mà nguyên nhân đều xuất phát từ vấn đề tâm, sinh lý, tình cảm của học sinh. “Có thể thấy rằng, công tác tuyên truyền, tư vấn tâm lý học đường trong trường học hiện nay vẫn chưa đạt hiệu quả!”, bà Trần Thị Ngọc Châu thẳng thắn chia sẻ.

Bên cạnh vấn nạn bạo lực học đường, hiện nay học sinh còn đối mặt với áp lực thi cử, điểm số; những khủng hoảng tâm, sinh lý lứa tuổi mới lớn; vướng mắc về giới tính, tình bạn, tình yêu; ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội. Trước những thay đổi “thất thường” về tâm, sinh lý đó của các em, việc tư vấn tâm lý, trang bị cho các em kỹ năng sống là hết sức cần thiết. Nếu nhà trường và gia đình không phát hiện, tư vấn kịp thời, có thể gây ra hậu quả như nhẹ thì buồn chán, học kém, bất ổn tâm lý, nặng thì tự cô lập mình, trầm cảm, có hành vi nguy hiểm, thậm chí là tự tử…

Tư vấn tâm lý trong nhà trường phổ thông từng được Bộ GD-ĐT đưa vào nhiệm vụ năm học, nhằm khắc phục các hiện tượng tiêu cực ở học sinh, đặc biệt là vấn nạn bạo lực học đường, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi, trầm cảm, tự tử… Có một thực tế là, khi gặp gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống, phần lớn học sinh thường tìm lời khuyên nơi bạn bè thân thiết hoặc… tự xử lý. Các em không “gõ cửa” phòng tư vấn tâm lý học đường vì “chất lượng tư vấn không cao”. Thay vì đưa ra những giải pháp, gợi mở hướng đi, giúp thoát khỏi áp lực, bế tắc, các thầy cô chỉ đưa ra những lời động viên, an ủi chung chung. Vì lẽ đó các em không muốn thổ lộ, giãi bày những chuyện khó nói của bản thân…

Khách quan mà nói, tư vấn tâm lý học đường chưa thu hút, chưa tạo được niềm tin của học sinh là do công tác này chưa được đầu tư đúng mức. Hai khó khăn lớn nhất mà hầu hết các trường đều không thể vượt qua, đó là thiếu giáo viên chuyên trách và kinh phí hoạt động. Đội ngũ cán bộ tư vấn tâm lý đa số là các giáo viên kiêm nhiệm, các chế độ đãi ngộ chưa được quan tâm, quy định cụ thể; chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ, nên nội dung hoạt động quá đơn điệu, nghèo nàn, chưa đủ để phòng ngừa và xử lý các khủng hoảng liên quan đến vấn đề. Theo hiệu trưởng các trường THCS và THPT, hoạt động tư vấn tâm lý học đường sẽ hiệu quả hơn nếu có sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý, tuy nhiên các nhà trường lại không đủ kinh phí để triển khai việc này. Thiếu kinh phí, nhà trường càng không thể tổ chức nói chuyện chuyên đề, hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, diễn đàn về các chủ đề liên quan tư vấn tâm lý; thiết lập kênh thông tin, cung cấp tài liệu, trao đổi với phụ huynh về diễn biến tâm lý và những vấn đề cần tư vấn, hỗ trợ học sinh. Chính những khó khăn, bất cập này mà hiện nay, phòng tư vấn tâm lý học đường “có cũng như không”, rất ít học sinh tìm đến, thậm chí không biết đến địa chỉ này.

Bà Trần Thị Ngọc Châu cho biết, ngành GD-ĐT sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn trong trường học bằng cách nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác tư vấn tâm lý học đường, có sự tham gia của các chuyên gia, để hoạt động này ngày càng chuyên nghiệp và bài bản. Khi nhấn mạnh giải pháp này, ắt hẳn lãnh đạo ngành GD-ĐT đã lường trước những khó khăn, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để hoạt động tư vấn học đường phát huy hiệu quả, đặc biệt là đội ngũ làm công tác tư vấn tâm lý học đường và kinh phí hoạt động.

Tư vấn tâm lý học đường luôn nằm trong nhóm giải pháp tối ưu, nhằm khắc phục các hiện tượng tiêu cực ở học sinh. Đầu tư đúng mức cho mô hình này ngành giáo dục sẽ chủ động trong công tác dự phòng và can thiệp sớm, phối hợp với gia đình đưa ra những phân tích, lời khuyên thiết thực giúp các em giải tỏa được về mặt tinh thần, làm cho các em cảm thấy vững vàng, tự tin và trên cơ sở đó có thể tự giải quyết được vấn đề của mình theo hướng tích cực. Khi các em đã vượt qua khủng hoảng, có một đời sống tinh thần vui tươi, lành mạnh, mỗi ngày đến trường sẽ là một ngày vui.

NGUYỄN HƯNG NHƠN

;
.