.

Giữ chân cán bộ, công chức, viên chức

Cập nhật: 18:38, 11/11/2022 (GMT+7)

Sau gần 10 năm gắn bó với công việc ở UBND một phường của TP.Vũng Tàu, chị Hải vừa quyết định xin nghỉ việc. Lý do khiến chị nghỉ việc là vì lương thấp, công việc nhiều, áp lực lớn, trong khi cơ hội thăng tiến thấp.

Những trường hợp nghỉ việc như chị Hải là tương đối phổ biến. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022, số lượng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) nghỉ việc, thôi việc trên phạm vi cả nước là 39.552 người, chiếm 1,94% tổng số biên chế được giao. Trong đó, tỷ lệ nghỉ việc, thôi việc của viên chức chiếm gần 90%, tập trung ở 2 lĩnh vực giáo dục và y tế.

Tình trạng CBCCVC nghỉ việc đã được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Theo đó, các đại biểu đã chỉ ra những nguyên nhân căn cơ của tình trạng này như: có sự dịch chuyển lao động giữa các khu vực (nông thôn ra thành thị, xuất khẩu lao động, khu vực công sang khu vực tư và ngược lại); tiền lương và thu nhập của CBCCVC còn thấp so với thu nhập của người lao động cùng trình độ làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế cận. Nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tinh giản biên chế khiến cho khối lượng công việc ngày càng tăng, dẫn đến CBCCVC bị quá tải, áp lực lớn, trong khi thu nhập không tăng. Mặt khác, môi trường, điều kiện làm việc trong khu vực công ở nhiều đơn vị, địa phương chưa thật sự tạo động lực cống hiến và cơ hội để CBCCVC phát huy tốt năng lực…

Khoảng 10 năm trở về trước, phần lớn người dân vẫn ưu tiên hàng đầu là làm việc tại khu vực nhà nước. Nhiều người quan niệm phải vào biên chế bằng mọi cách vì chỉ có biên chế mới “chắc chân”. Thế nhưng quan niệm đó đã dần thay đổi. Ngày càng có nhiều người chọn làm việc ở khu vực tư với thu nhập tốt, đãi ngộ cao, cơ hội thăng tiến rộng mở và công bằng hơn. Đó cũng là lý do nhiều CBCCVC nghỉ việc để chuyển sang làm việc ở khu vực tư. Một số ý kiến cho rằng, việc CBCCVC nghỉ việc ở khu vực công, dịch chuyển sang khu vực tư là tất yếu khách quan của cơ chế thị trường và đó là điều bình thường.

Tuy vậy, nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ý lo ngại, cho rằng đó là điều bất thường. Trên thực tế, một bộ phận CBCCVC nghỉ việc ở khu vực công là những người có trình độ, tay nghề cao nhưng do thu nhập và đãi ngộ không tương xứng, môi trường làm việc không hấp dẫn, không phù hợp nên họ chuyển sang khu vực tư. Điều này làm “chảy máu chất xám”, khiến cho khu vực công mất đi người tài.

Tình trạng CBCCVC nghỉ việc được dự báo là còn tiếp diễn trong thời gian tới. Để giải quyết tình trạng này, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, vấn đề đầu tiên là cải cách chính sách tiền lương. Tin vui là chiều 11/11, Quốc hội đã quyết định tăng lương cơ sở cho CBCCVC lên mức 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2023; đồng thời cũng tăng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp cho một số đối tượng khác; tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở từ ngày 1/1/2023.

Cùng với việc tăng lương, cần quan tâm hỗ trợ kịp thời về điều kiện vật chất đối với CCVC có hoàn cảnh khó khăn. Tùy theo điều kiện, từng địa phương cần có thêm chính sách hỗ trợ phù hợp, ngoài các chính sách chung của nhà nước. Về lâu dài, cần thực hiện việc chi trả lương cho CBCCVC theo vị trí việc làm và nâng cao chất lượng đội ngũ gắn với cải cách chính sách tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi. Mỗi cơ quan, đơn vị cần xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý gắn với đào tạo, bồi dưỡng, bố trí công việc hợp lý cho CBCCVC; tạo điều kiện bình đẳng để CBCCVC phấn đấu lên vị trí cao hơn, nhất là cán bộ trẻ, có trình độ. Các địa phương cần áp dụng rộng rãi chế độ thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp, tạo cơ hội để cơ quan nhà nước chọn được người tài và tạo động lực phấn đấu cho CBCCVC.

NGUYỄN ĐỨC

 
.
.
.