Từ thông điệp của Thủ tướng

Thứ Hai, 12/09/2022, 17:57 [GMT+7]
In bài này
.

Dù năm học mới chỉ bắt đầu được một tuần lễ nhưng nhiều học sinh đã bị cha mẹ đưa ra một lịch học thêm dày đặc. Nhiều phụ huynh đích thân đưa con em đến nhà thầy cô giáo để học thêm. Các bậc cha mẹ này cứ nhất mực cho rằng “nạp” thêm kiến thức vào đầu con trẻ càng nhiều càng tốt, thi cử nhất định sẽ đạt điểm cao (?!).

Bệnh thành tích trong ngành giáo dục (GD) đã được đề cập từ lâu nhưng cho đến nay vẫn chưa được điều trị hiệu quả. Và vấn đề lại “nóng” lên khi tại lễ khai giảng năm học mới 2022-2023,Thủ tướng Phạm Minh Chính khuyến cáo “Đừng vì bệnh thành tích, áp đặt mà làm tổn thương con trẻ. Tất cả chúng ta hãy cùng nhau tạo môi trường dạy dỗ, đào tạo lành mạnh, an toàn, trí tuệ cho các cháu”.

Theo người đứng đầu Chính phủ, vẫn còn hiện tượng nhiều phụ huynh gò ép, áp đặt việc học hành, so bì với các bạn… Dư luận kỳ vọng từ thông điệp của người đứng đầu Chính phủ, ngành GD sẽ có những đột phá, đưa việc dạy và học của thầy và trò trở lại thực chất, lành mạnh, không còn những điểm số ảo, không còn lạm phát bằng khen…

Bệnh thành tích trong GD là câu chuyện không mới nhưng sau bao năm vẫn chưa thuyên giảm. Vẫn còn đó các quy định, các loại chuẩn, tiêu chuẩn có tính hình thức, cứng nhắc, không phù hợp với thực tiễn, không phát huy được tính sáng tạo, chủ động ở các cấp cơ sở GD. Vẫn còn đó các tiêu chí đánh giá nhà trường phổ thông, trong đó có chỉ tiêu về tỷ lệ học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt, tỷ lệ lên lớp, đỗ tốt nghiệp… điều đó đã buộc các trường, ban giám hiệu, các thầy cô giáo phải làm mọi cách, kể cả không trung thực để kết quả học tập, thi cử, xếp hạng của lớp mình, trường mình được “đẹp” nhất có thể.

Việc ngành GD đưa ra các chỉ tiêu về trường xuất sắc, phòng GD-ĐT xuất sắc… dựa trên thành tích về tỷ lệ HS giỏi, giải HS giỏi, điểm thi vào lớp 10, cũng khiến cho bệnh thành tích trong GD trầm trọng thêm.

Còn nhớ năm 2019, khi báo chí đưa tin 42/43 học sinh lớp 6 của một trường THCS thuộc TP.Vũng Tàu đạt danh hiệu học sinh giỏi, dư luận đã “xì xào”, bàn tán. Mặc dù lãnh đạo phòng GD sau khi cho thẩm tra, xác minh đã khẳng định việc xếp loại học sinh ở trường là khách quan, trung thực, đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của học sinh, nhiều người vẫn cứ hoài nghi bởi “con số quá đẹp”. Ở một góc nhìn khác, TS.Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội lại cho rằng việc cả lớp được giấy khen thì hoạt động khen thưởng và tôn vinh không còn cần thiết.

Công bằng mà nói, chính các bậc phụ huynh cũng “góp sức” không nhỏ làm cho bệnh thành tích trong GD trầm kha thêm. Với lý do để củng cố kiến thức căn bản trong chương trình, bổ sung kiến thức nâng cao ngoài chương trình, nhiều phụ huynh bắt con học thêm đủ thứ môn học. Hệ quả của việc học thêm quá sức là nhiều trẻ bị trầm cảm, âu lo, rối loạn cảm xúc. Một số em đã có hành động dại dột là tự tử, để lại thư xin lỗi “vì đã không đạt được kết quả tốt như kỳ vọng của bố mẹ và thầy cô”.

Khoe kết quả học tập của con em lên mạng xã hội cũng là một biểu hiện của bệnh thành tích từ phía phụ huynh. Bao nhiêu bằng khen, giấy khen, những điểm số đẹp như mơ của con em họ đem ra khoe bằng hết, coi đó là thành công của gia đình, dòng tộc. Việc khoe khoang thành tích của con vô hình trung đã tiếp sức, nuôi dưỡng cho bệnh thành tích, chạy theo lối “hư học” ngày càng nặng nề. Đó thực sự là những áp lực vô hình đè nặng cảm xúc, tâm tư của các em, khiến chúng luôn phải gắng sức mình để đạt điểm cao, dẫn đến tình trạng quá tải, sợ học, sợ đến trường, cuối cùng phải tìm cách giải thoát.

Từ thông điệp của người đứng đầu Chính phủ, ngành GD cần thay đổi cách GD nặng học thuật, điểm số, hướng đến sự phát triển toàn diện cho tất cả học sinh. Đã đến lúc rà soát, điều chỉnh lại nội dung dạy và học, dạy cái thiết thực, giảm và tiến tới bỏ hẳn cái hình thức, phù phiếm, vô bổ; Cần dạy thật, học thật, từ bỏ việc chạy theo điểm số, xóa bỏ những con số đẹp mà ảo.

Chữa bệnh thành tích không chỉ là trách nhiệm của ngành GD mà còn là của các bậc phụ huynh. Trẻ em không phải là robot. Bên cạnh việc học, các em cũng có những nhu cầu tối thiểu như giải trí, vui chơi, nâng cao thể chất. Thay vì ép buộc trẻ học thêm, hãy quan tâm đến tâm lý, cảm xúc và sức khỏe, trang bị cho các em các kĩ năng và thái độ sống đúng đắn. Được như thế, mỗi ngày đến trường của các em chắc chắn sẽ là những ngày vui.

TRƯƠNG TÙNG

;
.