Tiếp "lửa" cho làng nghề truyền thống

Chủ Nhật, 25/09/2022, 18:51 [GMT+7]
In bài này
.

Sau bao ngày chờ đợi, cuối cùng tin vui cũng đã đến với người dân xã An Ngãi, huyện Long Điền: Làng bánh tráng An Ngãi đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận trở thành làng nghề truyền thống. Lễ công bố quyết định đã được UBND huyện Long Điền tổ chức trang trọng vào trung tuần tháng 9/2022 tại Trung tâm Văn hóa, thể thao - học tập cộng đồng xã An Ngãi.

Nghệ nhân các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh cũng vui với thông tin này, bởi từ việc Làng bánh tráng An Ngãi được UBND tỉnh ra quyết định công nhận làng nghề truyền thống đầu tiên, sẽ mở ra hy vọng nhiều làng nghề truyền thống khác sẽ được công nhận, phục hồi và phát triển.

Làng nghề là một loại di sản không gian sống hàm chứa những giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của dân tộc. Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có trên dưới 10 làng nghề truyền thống, trong đó có làng nghề có lịch sử phát triển từ thời kỳ khai phá mở đất (từ thế kỷ XVII đến nay). Hình thành trên cơ sở kết hợp sản xuất nông nghiệp và hoạt động thủ công, mỗi làng nghề ở Bà Rịa - Vũng Tàu đều là một kho tàng tri thức về nghề và bản sắc văn hóa địa phương. Sự kiện Làng bánh tráng An Ngãi được công nhận là làng nghề truyền thống không chỉ góp phần vào việc gìn giữ dấu ấn, bản sắc văn hóa riêng biệt của một vùng quê, mà còn mở ra cơ hội phục hồi và phát triển các làng nghề trên địa bàn đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền.

Ai cũng biết tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều nghề truyền thống nổi tiếng một thời như nghề đúc đồng xóm Chuông (huyện Long Điền), nghề làm đá ở Phước Hòa (TX. Phú Mỹ), nghề làm bún ở Long Kiên, nghề nấu rượu ở Hòa Long (TP. Bà Rịa)… Mỗi làng nghề là một không gian văn hóa đầy bản sắc, độc đáo, riêng biệt. Chính quyền địa phương và nghệ nhân vẫn luôn trăn trở tìm hướng đi mới để nghề truyền thống được bảo tồn và phát triển.

Tuy vậy, các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh lại đang đối mặt với hàng loạt khó khăn: Nguồn vốn ít ỏi, thiết bị máy móc cũ, công nghệ lạc hậu, sản xuất manh mún, thị trường tiêu thụ hạn hẹp. Nhiều người trẻ không mặn mà, gắn bó với nghề. Nhiều hộ gia đình từ bỏ nghề truyền thống chuyển hẳn sang nghề khác, dễ mưu sinh hơn.

Để xứng đáng với danh hiệu làng nghề truyền thống, bên cạnh việc giữ “lửa” làng nghề, nghệ nhân Làng bánh tráng An Ngãi phải tìm cách cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm theo thị hiếu, nhu cầu của thị trường, phải hướng đến sản xuất sạch hơn bằng việc đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường. Hơn thế nữa, đó còn là nơi giao lưu văn hóa, thúc đẩy các hoạt động du lịch, trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách.

Thế nhưng, với Làng bánh tráng An Ngãi nói riêng và các làng nghề truyền thống nói chung đây vẫn là một bài toán khó. Cơ sở hạ tầng của các làng nghề trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu của tour du lịch, chưa có mô hình tái hiện được công việc làm nghề mang tính trình diễn giới thiệu cho du khách xem. Thiếu sót này khiến du khách không có cảm giác được ngược dòng đi tìm thời gian đã mất.

Lấy nghề nấu rượu ở Hòa Long làm ví dụ. Rượu đế Hòa Long là một đặc sản mà người thưởng thức nhận xét là “uống đến đâu biết đến đó”. Khi đi du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, không ít người đã tìm mua rượu đế Hòa Long về làm quà cho bạn bè, người thân. Mấy năm trước, nghề nấu rượu ở Hòa Long được đưa vào tour du lịch phục vụ khách tham quan, nếm rượu. Đáng tiếc vì số hộ làm nghề nấu rượu có xu hướng giảm, lại thiếu không gian tái hiện quy trình nấu rượu cũng như kết nối với các công ty lữ hành đưa khách về tham quan, nên tour du lịch phục vụ khách tham quan, nếm rượu đã “nửa đường gãy gánh”.

Sẽ có thêm nhiều làng nghề truyền thống được công nhận thời gian tới. Vai trò của các làng nghề truyền thống sẽ được nhìn nhận, đánh giá khách quan và nghiêm túc. Gắn phát triển du lịch với làng nghề truyền thống là xu thế tất yếu. Nếu tổ chức một cách bài bản, chuyên nghiệp sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng tuyến, điểm du lịch, tạo được nguồn thu để các làng nghề duy trì hoạt động. Một sự đồng thuận và niềm tin như vậy sẽ mở ra cơ hội mới, thôi thúc chính quyền địa phương, cơ quan chức năng triển khai các chính sách hỗ trợ về vốn, đầu tư về công nghệ, tìm hướng ra cho các sản phẩm, thúc đẩy các làng nghề truyền thống ở Bà Rịa - Vũng Tàu phục hồi và phát triển bền vững.

TRƯƠNG TÙNG

;
.