BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG

Vì đâu nên nỗi?

Chủ Nhật, 18/09/2022, 19:06 [GMT+7]
In bài này
.

Choáng, sốc, bất nhẫn… đó là cảm xúc của nhiều người sau khi xem 4 đoạn clip ghi lại những cảnh đánh nhau giữa các băng nhóm học sinh (HS).

Vụ thứ nhất, xảy ra vào chiều Chủ nhật 11/9 tại Trường THCS - THPT Tây Sơn (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, Đồng Nai). Một nhóm nữ sinh đã nắm tóc, đấm, đá liên tục vào đầu, mặt, bụng 2 nữ sinh khác. 1 trong 2 nạn nhân còn lại bị lột đồ làm nhục trong tiếng cười đùa của những người đứng xem.

Vụ thứ hai, xảy ra tại Trường THCS - THPT Tây Sơn (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) ngày 12/9. Xuất phát từ mâu thuẫn trên mạng xã hội, 2 nhóm HS đã lao vào đánh nhau tại 1 quán cà phê. Hậu quả khiến 2 HS Trường THCS - THPT Tây Sơn bị thương phải nhập viện cấp cứu.

Nhìn những cú đấm đá tàn khốc, hung hiểm của những kẻ thủ ác đang trong tuổi teen dành cho HS cùng trang lứa y như đối với kẻ thù, không ít người đã phải thảng thốt kêu lên: “Sao vấn nạn này xảy ra hoài, thật quá đau lòng?!”.

Bạo lực học đường (BLHĐ) là một trong những chuyện “biết rồi, khổ lắm!” ở nước ta. Hầu như tuần nào, tháng nào, chúng ta cũng nghe thấy những tin tức về bạo lực, đánh nhau tại các trường học, mà phổ biến nhất tại các trường THCS và THPT. Đủ kiểu bắt nạt, đánh nhau trong lớp học, trước cổng trường, trên đường phố. Có bạn học cùng lớp, cùng trường làm “khán giả” reo hò, cổ vũ, quay phim. Ít thấy người xông vào can gián, báo thầy cô giáo hoặc công an can thiệp. Đủ thứ lý do dẫn đến BLHĐ: Vì một câu cà khịa trên Facebook, “Tại nó chảnh, coi thường tao”, “Vì nó ỷ đẹp, học giỏi” hoặc nhiều khi đơn giản là… “nhìn thấy ghét”!

Nạn BLHĐ tồn tại suốt cả chục năm nay khiến dư luận lo lắng. “Căn bệnh mãn tính” này được đề cập tại nhiều diễn đàn của Quốc hội và các bộ, ngành, địa phương, nhưng vẫn chưa thuyên giảm, thậm chí còn trầm kha hơn.

Quy trình xử lý của các ban giám hiệu, chính quyền địa phương khi xảy ra BLHĐ thường là mời những HS liên quan lên làm việc, lấy lời khai. Sau đó xử lý bằng cách hạ hạnh kiểm, đình chỉ học tập vài tuần kẻ vi phạm. Nặng hơn là đuổi học hoặc khởi tố bị can với những HS hư, “hết thuốc chữa”. Những giải pháp mang tính phần ngọn đó chưa được giải quyết triệt để nạn BLHĐ.

Nhà trường và gia đình là nền tảng để hình thành nhân cách một con người. Đành rằng, giáo dục đóng vai trò quan trọng, nhưng con trẻ là kết quả giáo dục tổng thể của nhà trường - gia đình và xã hội. Nói như vậy để thấy rằng, tách BLHĐ ra khỏi bạo lực, tách học đường ra khỏi gia đình và xã hội để rồi quy trách nhiệm BLHĐ cho nhà trường là thiên kiến, cực đoan.

Đúng là ngành giáo dục thời gian qua chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của cuộc sống. Chậm đổi mới nội dung, hình thức giáo dục về phòng chống BLHĐ tại các trường phổ thông, chưa triển khai các hoạt động tư vấn tâm lý cho HS, nhằm giúp cho các em hiểu mình đã sai, phải hành động để đổi thay, chưa chủ động kết nối hoạt động phòng chống bạo lực, chuẩn hóa việc giáo dục lối sống, giá trị sống mà đặc biệt là kỹ năng sống cho HS. Nội dung giảng dạy chỉ chú trọng giáo dục cái đẹp, cái tốt đến mức thần tượng. Nhưng bên cạnh đó cũng cần đề cập đến thiếu sót về trách nhiệm của xã hội và gia đình. Nhiều người lớn luôn dạy con trẻ không được giải quyết vấn đề bằng bạo lực, trong khi chính họ dùng nắm đấm để nói chuyện thắng thua. Những HS thích hành xử bạo lực là do ảnh hưởng từ số người lớn này.

Không ít các bậc làm cha làm mẹ suốt ngày lo việc mưu sinh, không quan tâm đến việc quản lý và giáo dục con cái. Việc học hành, sinh hoạt của trẻ hầu như phó mặc cho nhà trường. Họ không ý thức được rằng, chỉ có thể bằng việc nghiêm túc chấp hành pháp luật, tấm gương đạo đức trong lối sống, tình yêu thương của cha mẹ mới có thể răn dạy và giáo dục được con cái.

Ở một khía cạnh khác, sự bùng nổ của MXH đã khiến một bộ phận giới trẻ lâm vào tình trạng sống ảo, nhận thức lệch lạc về giá trị cuộc sống, bị lôi cuốn vào các trò chơi thiếu lành mạnh, bạo lực. Các hành vi phạm tội từ đó mà ra. Để kéo giảm tình trạng BLHĐ, giải pháp quan trọng nhất vào lúc này vẫn là chú trọng tới giáo dục đạo đức, lối sống cho giới trẻ, cân bằng cả việc “dạy chữ” và “dạy làm người”. Sự quan tâm chăm sóc của nhà trường, gia đình, xã hội sẽ giúp các em có sức “đề kháng” trước mọi cám dỗ, không bị lôi kéo vào vòng xoáy BLHĐ.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

 

;
.