Bảo tàng ký ức

Thứ Tư, 21/09/2022, 20:00 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian không thể làm mờ những ký ức lịch sử, nếu chúng ta nhiệt tình lưu giữ, xây thành một bảo tàng ký ức từ chính lòng người.

Chuyến làm việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Liên lạc học sinh miền Nam không gì khác ngoài nỗ lực dựng xây một bảo tàng ký ức về một cuộc chuyển cư đã trở thành huyền thoại trong quá khứ: Cuộc tập kết ra Bắc của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam sau Hiệp định Genève. 

Trong những thời khắc lịch sử đó, khu vực Dốc Cây Cám (xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay) được ghi dấu là một trong 3 địa điểm tập kết chủ yếu, để từ đó gần 10 ngàn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào khu vực Đông Nam Bộ lên tàu ra Bắc.

Tổng kết cuộc chuyển quân lịch sử, trong bản báo cáo trình bày trước Quốc hội vào ngày 20/3/1955, Ðại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp khẳng định: “…Với một sự cố gắng rất lớn của quân đội, với sự ủng hộ tích cực và thắm thiết của nhân dân, với sự giúp đỡ anh em của các nước bạn…, trên 7 vạn quân ta và một số anh em cán bộ và đồng bào ta ở miền Nam đã an toàn chuyển ra miền Bắc”. 

Thực tế, trong suốt những ngày tập kết lịch sử đó, đã có hơn 250 ngàn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta từ miền Nam di chuyển ra Bắc, chuẩn bị lực lượng cho một cuộc trở về hùng vĩ, với bài ca thống nhất được viết lên sau đó gần 20 năm bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Gần 70 năm đã trôi qua, lịch sử đã lật qua nhiều trang mới. Nhưng ở các tỉnh thành miền Bắc, nhiều người chắc hẳn còn nhớ hàng chục ngôi trường được đặt tên một cách giống nhau: Trường học sinh miền Nam, gắn với một thời kỳ lịch sử không thể nào quên. Vì vậy, việc thu thập tư liệu, tài liệu và các kỷ vật liên quan đến cuộc tập kết là rất ý nghĩa, không chỉ đem đến nhận thức lịch sử cho thế hệ sau, mà còn góp phần hình thành nên một “bảo tàng” tưởng nhớ mênh mông trong tâm hồn của người dân cả nước.

Với Bà Rịa - Vũng Tàu, mảnh đất án ngữ trên tuyến đường biển huyết mạch, trong cuộc kháng chiến trường kỳ, nhiều địa danh trong tỉnh như bến Lộc An, Dốc Cây Cám đã khắc vào lịch sử như biểu tượng của tinh thần không quản hy sinh, gian khó theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ vì mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. 

Hôm nay, trên tuyến đường ven biển tuyệt đẹp, từ Vũng Tàu qua Xuyên Mộc, ra Bình Thuận, chúng ta trầm trồ về thiên nhiên chan hòa, tự hào vì một Việt Nam đâu đâu cũng đẹp. Nhưng lùi sâu trong quá khứ, dải đất ven biển của Bà Rịa - Vũng Tàu là một chuỗi những địa danh đã trở thành bằng chứng lịch sử cho một quyết tâm không dời, vì độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ.

Đi tìm kiếm những kỷ vật và dấu tích của quá khứ trong hôm nay, để xây thành bảo tàng cho tương lai. Hẳn là việc làm ai cũng mong muốn được chung tay.

THU THẢO

 

 

 

;
.