Làm gì có "việc nhẹ, lương cao"

Thứ Năm, 22/09/2022, 18:04 [GMT+7]
In bài này
.

Thỉnh thoảng tôi lại nhận được tin nhắn gửi đến điện thoại với lời chào mời hấp dẫn kiểu như: “Tôi là trưởng phòng/trưởng nhóm A.. Anh chị thích làm việc tự do, không cần vốn, không cần đến công ty vẫn có thu nhập từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng mỗi ngày”... Kèm theo đó là hướng dẫn truy cập vào trang web hoặc số điện thoại của “trưởng phòng”.

Tôi đang có công việc ổn định, không có nhu cầu “làm thêm giờ” nên luôn bỏ qua những tin nhắn này, đồng thời còn gửi báo cáo “tin nhắn rác” đến nhà mạng. Thế nhưng, trong số hàng trăm, hàng ngàn tin nhắn hú họa được gửi đi như vậy, có thể có vài người lao động đang cần việc, vài bà nội trợ muốn kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Họ sẽ làm theo hướng dẫn và dễ dàng trở thành con mồi của bọn lừa đảo. Nhẹ thì chúng yêu cầu mua một số hàng hóa nhất định và được trích hoa hồng, trở thành đại lý bán hàng, sau đó quay lại mời người thân, bạn bè tham gia mua bán hàng để được hưởng hoa hồng. Nặng hơn, nhiều trường hợp bị dẫn dụ gửi hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng cho đối tượng lừa đảo để “mua” những lời hứa hão huyền về mức lợi nhuận cuối cùng sẽ nhận được “sau khi chuyển tiền lần cuối”. Khi tỉnh ngộ thì chúng đã bặt tăm.

Trên mạng xã hội, nhiều người dùng hay đăng hoặc chia sẻ dòng trạng thái hài hước, kèm hình minh họa cho “việc nhẹ, lương cao” để chỉ những công việc nặng nhọc, nguy hiểm như: chăm sóc thú dữ, làm việc ở những môi trường khắc nghiệt, nguy cơ tai nạn lao động. Những hình ảnh mang tính hài hước đó đã hàm ý không có việc gì nhẹ mà lương cao cả. Chỉ cần dành chút thời gian suy nghĩ, ai cũng có thể hiểu được chân lý đó.

Tiếc rằng vẫn có nhiều người lao động nhẹ dạ, cả tin hoặc thiếu hiểu biết nên dễ dàng sập bẫy các đối tượng lừa đảo. Vài tháng gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ người lao động làm việc tại các casino ở Campuchia gần biên giới Việt Nam bất chấp hiểm nguy, đột phá hàng rào bảo vệ để chạy trốn về nước. Nguyên nhân là họ bị các đối tượng xấu dụ dỗ về cơ hội việc làm “việc nhẹ, lương cao” tại Campuchia bằng những lời lẽ ngon ngọt về môi trường làm việc hấp dẫn, thu nhập hàng ngàn USD và hưởng nhiều chế độ ưu đãi.

Trên thực tế, họ bị các đối tượng người nước ngoài tại Campuchia cấu kết với các đối tượng trong nước hoặc từng làm việc tại Campuchia tuyển người rồi lừa bán vào các cơ sở lao động bất hợp pháp ở nước này để hưởng tiền thù lao. Thủ đoạn của các đối tượng này rất tinh vi nên nhiều người lao động sau khi bị lừa đảo mới biết thì đã muộn. Ở các cơ sở này, họ bị ép làm việc nhiều giờ mỗi ngày, bị giao chỉ tiêu doanh số cao và bị trừ lương nếu không đạt chỉ tiêu. Thậm chí nhiều người còn bị ép buộc làm những việc phi pháp là giúp chúng lừa đảo người khác. Khi không thực hiện yêu cầu của chủ sử dụng lao động, họ sẽ bị đánh đập hoặc chịu nhiều hình phạt hà khắc, bị bán cho chủ sử dụng lao động khác, hoặc yêu cầu liên hệ với gia đình tại Việt Nam để nộp tiền chuộc mới cho về nước.

Những chiêu trò lừa đảo này không mới nhưng vì sao vẫn có nhiều nạn nhân sập bẫy? Đó là vì bọn lừa đảo rất tinh vi khi nhắm vào tâm lý của một bộ phận người lao động thiếu hiểu biết, lười học tập, lười lao động nhưng lại thích “việc nhẹ, lương cao”, nhanh giàu, nhanh đổi đời.   

Để tránh “sập bẫy”, người lao động cần cảnh giác trước các lời mời gọi sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao, không mất chi phí đi lại... của các đối tượng không quen biết thông qua mạng Internet, mạng xã hội. Người lao động cần tìm hiểu kỹ về địa danh, địa điểm nơi mình định đến, đặc điểm, thông tin nhân thân của người giới thiệu và cùng mình đi làm việc tại đó như thế nào. Đồng thời, nên tham khảo ý kiến của những người xung quanh và cung cấp thông tin cho người thân về địa điểm, công việc của mình, thông tin về người cùng đi trước khi quyết định xuất cảnh.

Nhưng biện pháp căn cơ, lâu dài nhất vẫn là người lao động cần tự học tập, trang bị kiến thức, tinh thông nghề nghiệp để sẵn sàng tham gia thị trường lao động. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước rất cần lao động có tay nghề với mức đãi ngộ cao. Những người có nhu cầu xuất khẩu lao động cũng cần trang bị tay nghề tinh thông và cần đi theo con đường chính ngạch thông qua các đơn vị, tổ chức môi giới xuất khẩu lao động đã được cấp phép.

NGUYỄN ĐỨC

;
.