Giải cơn "khát vốn" cho doanh nghiệp

Thứ Tư, 14/09/2022, 18:44 [GMT+7]
In bài này
.

Sau vài tháng chờ đợi, ngày 7/9 vừa qua, doanh nghiệp và cả người dân vui mừng đón nhận tin vui khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố chính thức nới “room” tín dụng cho một số ngân hàng.

Việc nới “room” tín dụng, đồng nghĩa với các việc doanh nghiệp, người dân sẽ dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn vay hơn để chủ động cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là đang bước vào mùa cao điểm kinh doanh cuối năm.  Chủ một doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Vũng Tàu ví von, việc nới room tín dụng lần này giống như “cơn mưa giải nhiệt mùa hè”. Bởi ở thời điểm này, rất nhiều doanh nghiệp cần vốn để mở rộng kinh doanh, nhập thêm nguyên liệu để chuẩn bị sản xuất hàng hóa Tết. Cách đây hai tháng, doanh nghiệp này đi tìm hiểu vay vốn tại một số ngân hàng nhưng đều được phản hồi từ phía các nhân viên tín dụng là đã hết “room” tín dụng. Tình trạng này không chỉ khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa nêu trên rơi vào cảnh “ khát vốn” mà nhiều doanh nghiệp khác cũng trong tình cảnh tương tự.

Chính vì thế mà ngay sau khi được nới “room” tín dụng, các ngân hàng đã thực hiện giải ngân nhiều hơn các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.

Qua khảo sát, có 15 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm “room” tín dụng lần này, với hạn mức tín dụng được cấp thêm từ 1-4%. Trong đó, Sacombank được cấp thêm hạn mức cao nhất là 4%; Agribank 3,5%; MB 3,2%; SHB 3,2%; OCB khoảng 3,1%; VIB (3%); Vietcombank 2,7%; TPBank 1,2%... Các ngân hàng được cấp thêm hạn mức tín dụng phải đáp ứng các điều kiện như có “sức khoẻ”tài chính tốt hoặc tham gia hỗ trợ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân… Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước đồng loạt nới hạn mức tín dụng cho một số tổ chức tín dụng trong năm nay.

Như vậy, theo ước tính, với hạn mức mới được phân bổ, sẽ có khoảng hơn 400.000 tỷ đồng tín dụng có thể cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp từ nay đến cuối năm.

Rõ ràng, mở rộng hạn mức tín dụng sẽ giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng dễ hơn. Tuy nhiên, trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ trong tuần qua, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền và kinh tế vĩ mô là mục tiêu cao nhất theo chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội. Bởi nếu tín dụng tăng trưởng cao quá mức sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, phía các doanh nghiệp cũng nên tìm cách đa dạng các nguồn vốn huy động, tránh phụ thuộc quá mức vào vốn vay ngân hàng, đặc biệt cần kiểm soát dòng tiền.

Chẳng hạn, các doanh nghiệp có thể huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu doanh nghiệp vì đây là kênh dẫn vốn quan trọng từ thị trường trung, dài hạn cho nền kinh tế hoặc có thể huy động vốn bằng tín dụng thương mại…

HOÀNG MINH

;
.