Phải "sốt ruột" hơn nữa!

Thứ Hai, 23/05/2022, 20:36 [GMT+7]
In bài này
.

“Dứt khoát không chấp nhận để xảy ra vi phạm IUU tại BR-VT!”. Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã nhấn mạnh như vậy khi đề cập đến công tác phòng, chống vi phạm IUU trên địa bàn tỉnh tại buổi làm việc với Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 tháng đầu năm 2022 và phương hướng trong thời gian tới được tổ chức vào cuối tuần qua.

5 năm qua, hàng trăm cuộc họp, lớp tập huấn về chống khai thác IUU đã được tổ chức, triển khai tại các xã phường, thị trấn vùng biển - nhất là các địa bàn thường xuyên có tàu vi phạm vùng biển nước ngoài. Mục đích nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong ngư dân về khai thác thủy sản trên biển, tiến tới chấm dứt đánh bắt thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài.

BR-VT là một trong những “điểm nóng” về  tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Trong những năm 2013-2017, hơn 130 tàu cá, 1.014 ngư dân đã bị các nước Indonesia, Malaysia, Philippines bắt giữ, xử lý phương tiện. Có chủ tàu bị nước ngoài bắt giữ đến 3 lần. Sau 5 năm quyết liệt vào cuộc với nhiều biện pháp đồng bộ, số vụ tàu cá vi phạm IUU đã giảm mạnh. Dầu vậy, tình trạng ngư dân đưa tàu cá đến các vùng giáp ranh giới trên biển, vùng biển chồng lấn để khai thác thủy sản vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo ghi nhận, năm 2021 và 2 tháng đầu năm nay, có 5 vụ/ 8 tàu cá/ 92 ngư dân trên địa bàn tỉnh bị lực lượng chức năng Indonesia và Malaysia bắt giữ. Đó là lý do vì sao các lực lượng chức năng BR-VT liên tục triển khai các biện pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, trong đó công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho ngư dân trong việc chấp hành Luật Thủy sản, các quy định IUU được xác định là biện pháp hàng đầu.

Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quy định liên quan tới quản lý, cấp phép, theo dõi giám sát sản lượng thủy sản qua cảng, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thủy sản; Đồng thời kiên quyết không cấp giấy phép khai thác, không cho đóng mới đối với chủ tàu có tàu cá tái phạm, tạm dừng chuyển quyền sở hữu và tước quyền giấy phép khai thác thủy sản trong vòng 6 tháng đến 1 năm đối với tàu cá vi phạm lần đầu và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với tàu cá tái phạm.

“Thẻ vàng” của EC đã khiến cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU sụt giảm liên tục từ năm 2017 đến nay. Ngành thủy sản có thể thiệt hại khoảng 480 triệu USD mỗi năm nếu để mất thị trường này. Điều đáng lo ngại là dù các địa phương đã rất nỗ lực ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm nhưng số vụ khai thác thuỷ sản bất hợp pháp trên biển vẫn tiếp tục diễn ra, phổ biến nhất là tình trạng ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS), vi phạm vùng đánh bắt hải sản. Mặt khác, theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, việc triển khai chống khai thác IUU ở nhiều địa phương còn hạn chế, chưa được coi là nhiệm vụ ưu tiên,cấp bách.

Số vụ tàu cá và ngư dân bị bắt giữ giảm mạnh thời gian qua cho thấy sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của ngư dân về vi phạm IUU. Nó cũng cho thấy những nỗ lực của cơ quan chức năng bước đầu phát huy hiệu quả. Tuy vậy, để chấm dứt tình trạng các tàu cá vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài, đòi hỏi các lực lượng chức năng phải “sốt ruột” hơn nữa, triển khai nhiều biện pháp hơn nữa để ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm.

“Dứt khoát không chấp nhận để xảy ra vi phạm IUU tại BR-VT!”. Quan điểm đó cần được tiếp tục quán triệt mạnh mẽ trong chính quyền, lực lượng chức năng và ngư dân và chuyển hóa thành hành động trong cuộc sống. Tinh thần là vừa kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn ngư dân tuân thủ các quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm, chống khai thác IUU vừa kiểm tra, giám sát,thực hiện các biện pháp xử lý hành chính để răn đe những trường hợp vi phạm; Đẩy mạnh việc thành lập các tổ, đội khai thác để hỗ trợ, giám sát lẫn nhau trong quá trình khai thác trên biển với phương châm “Mọi nỗ lực đều hướng đến phát triển một nghề cá bền vững”.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

 
;
.