Lại nóng chuyện bạo lực học đường

Thứ Hai, 30/05/2022, 19:13 [GMT+7]
In bài này
.

Tuần qua, mạng xã hội lan truyền thông tin một nữ sinh lớp 7 Trường quốc tế American Academy ở An Phú, (TP.Thủ Đức) bị một bạn học đánh ngay trong khuôn viên trường. 3 nữ sinh khác lao vào can ngăn cũng bị em này đánh. Vụ việc càng thu hút sự quan tâm của dư luận khi phụ huynh của nữ sinh bị đánh livestream kể chuyện con gái mình bị thương tích và sang chấn tâm lý, đồng thời tố nhà trường đẩy sự việc để các phụ huynh tự giải quyết với nhau.

Bạo lực học đường (BLHĐ) không phải là câu chuyện mới. Vấn nạn này xuất hiện từ nhiều năm trước và xảy ra ở nhiều nơi. Tại BR-VT, nhiều vụ BLHĐ gây xôn xao dư luận cũng được ghi nhận và vụ nữ sinh Ng.Th.Tr. (học lớp 8, Trường THCS Quang Trung, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) bị 2 nữ sinh khác đánh hội đồng bằng nón bảo hiểm vào tháng 4/2021 là một trong số đó. Nguyên nhân được xác định là do nữ sinh Tr. “xưng hô thất lễ” với “đàn chị”...

Trước vấn nạn BLHĐ xảy ra ngày càng phổ biến với mức độ nghiêm trọng, Sở GD-ĐT đã có công văn chỉ đạo các trường, phòng giáo dục xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, tích hợp nội dung phòng chống BLHĐ vào các hoạt động giáo dục.

Những ai quan tâm đến vấn đề BLHĐ hẳn chưa quên năm học 2010–2011, một trong những nhiệm vụ được ngành giáo dục triển khai mạnh mẽ là “nói không với BLHĐ”. Năm học ấy, các trường học đã tổ chức cho HS và tập thể lớp học ký cam kết không tham gia đánh nhau, không mang theo và sử dụng hung khí, vật dễ gây sát thương. GV chủ nhiệm được quan triệt phải tăng cường công tác quản lý HS, lưu ý các HS cá biệt, có biểu hiện hiệu manh động để quản lý cho phù hợp; xử lý công khai, nghiêm minh, mang tính giáo dục cao đối với các trường hợp vi phạm. Các trường cũng không quên chủ động phối hợp với công an, chính quyền và các tổ chức đoàn thể tại địa phương bàn giải pháp để giáo dục kỹ năng sống, phối hợp chặt chẽ với gia đình để giáo dục HS trong thời gian ở nhà v.v…

Nhiều năm học đã trôi qua, BLHĐ vẫn không giảm, trái lại có chiều hướng gia tăng đáng lo ngại. Nhiều vụ BLHĐ xảy ra vì những lý do không đâu, như “ỷ học giỏi mà chảnh”, “nhìn mặt thấy ghét”…

Từ nhiều góc độ khác nhau, người ta đã làm sáng tỏ những nguyên nhân dẫn đến BLHĐ: Giáo dục còn nặng dạy chữ mà coi nhẹ việc rèn người; Áp lực từ gia đình, học hành, giới tính, tình cảm rồi những mối nguy từ căn bệnh nghiện game online, nghiện mạng xã hội. Giáo dục công dân - môn được xem là giáo dục đạo đức lối sống cho HS lâu nay thì lại xa rời thực tế, chưa thể giúp HS trang bị kỹ năng sống, hoàn thiện đạo đức, nhân cách. Ở một khía cạnh khác nhà trường lại thiếu sự chung vai, chia sẻ của phụ huynh HS, của các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát và ngăn chặn hành vi BLHĐ.

Các cấp quản lý giáo dục cũng như nhiều chuyên giá đều gặp nhau ở cách nhìn nhận: các biện pháp để ngăn chặn nạn BLHĐ chưa đủ “đô” để thay đổi tình thế, trọng đó bất cập lớn nhất là thiếu sự phối hợp và tính liên kết sâu sắc giữa nhà trường-gia đình và xã hội. Nếu có sự quản lý tốt, phối hợp giữa cha mẹ và phụ huynh,có hoạt động kết nối HS… các trường sẽ giảm thiểu những nguy cơ các vụ việc.

BLHĐ là vấn đề có thể xảy ra ở bất kỳ đâu với bất kỳ trường học nào, ngay cả ở trường quốc tế, nơi có  sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa trong giao tiếp và cách giải quyết vụ việc giữa nhà trường và phụ huynh. Đáng lo ngại hơn là ngày nay, không chỉ có bắt nạt trực tiếp mà còn có bắt nạt trực tuyến. Hành vi bắt nạt qua mạng (cyber bullying) đáng sợ hơn nhiều lần bởi trong hầu hết trường hợp, nạn nhân bị sang chấn tâm lý, đối mặt với bệnh trầm cảm, nguy cơ tự sát.

Đằng sau những hành vi xốc nổi của những “ngựa chứng sân trường” luôn mang một thông điệp nào đó cho người lớn. Quan tâm và tìm cách giải mã nó bằng tình thương, trách nhiệm chình là phương thuốc hiệu quả nhất để ngăn chặn BLHĐ, thay vì ngồi than “chúng tôi bất lực” hoặc “đã hết cách rồi!”.

TRƯƠNG TÙNG

;
.