Quản lý chặt đất nông nghiệp

Chủ Nhật, 29/05/2022, 17:25 [GMT+7]
In bài này
.

Theo kế hoạch sử dụng đất năm 2022 do UBND tỉnh vừa ban hành, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều thu hồi một phần diện tích đất nông nghiệp (NN) và chuyển mục đích sử dụng sang đất phi NN, để đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của địa phương.

Theo đó, diện tích đất NN năm 2022 của tỉnh tiếp tục giảm hơn 8.446ha. Quá trình triển khai việc thu hồi đất NN sẽ phát sinh nhiều thách thức, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội mới, đòi hỏi chính quyền các địa phương có giải pháp bảo vệ và phát triển quỹ đất, đưa nguồn tài nguyên đất thực sự trở thành động lực cho quá trình phát triển KT-XH. Đồng thời, công khai công tác quy hoạch, sử dụng đất để các tổ chức, người dân biết, có kế hoạch sử dụng đất NN hợp lý, có hiệu quả.  

Những năm qua, việc giảm diện tích đất NN do tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh diễn ra khá nhanh. Theo nhận định của Sở TN-MT, diễn biến này phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ cho sự phát triển KT-XH của tỉnh.

Quả thật, việc triển khai các dự án trong những năm gần đây đã làm suy giảm mạnh quỹ đất sản xuất, đất tự nhiên của tỉnh nhưng, mặt khác lại tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển KT-XH của tỉnh. Ở những nơi này, các cụm CN, TTCN, các khu du lịch, khu vui chơi giải trí; hạ tầng giao thông được xây dựng, mang lại những thay đổi to lớn cho các vùng nông thôn BR-VT.

Để hạn chế tác động xấu của việc thu hẹp diện tích đất NN, Sở TN-MT tiếp tục thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ NN”; đẩy mạnh việc áp dụng CNTT trong quản lý đất đai; tích hợp dữ liệu địa chính đối với đất có nguồn gốc từ các nông nghiệp vào cơ sở dữ liệu đất đai của địa phương; phối hợp với chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm soát, kiểm tra, thanh tra hiệu quả sử dụng đất đai có nguồn gốc từ đất NN.

Chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai để tăng giá trị quỹ đất phục vụ cho sự phát triển KT-XH là cần thiết. Người dân đồng tình, ủng hộ chủ trương đúng đắn này và kỳ vọng nguồn lực đất đai sẽ được sử dụng hợp lý và hiệu quả bằng một tầm nhìn dài hạn và chính sách bền vững đi kèm.

Với đất NN, kế hoạch thu hồi, sử dụng không chỉ phù hợp với định hướng xây dựng nông thôn mới, mà còn phải tạo ra nhiều việc làm, bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân sau khi thu hồi đất. Với tinh thần đó, chính quyền địa phương và các ngành chức năng phải tính đến tác động của việc thu hồi đất NN trên các khía cạnh việc làm, an ninh lương thực và các vấn đề xã hội khác.

Mặt khác, còn phải chú trọng đến việc giám sát, kiểm tra việc sử dụng đất của các dự án nhằm kịp thời xử lý những dự án chậm triển khai; có kế hoạch triển khai các biện pháp khôi phục rừng ngập mặn; tổ chức trồng rừng ngập mặn ở các vùng cửa sông, cảng biển do tình trạng biển xâm thực đất liền làm cho diện tích đất NN ven biển bị nước biển cuốn trôi.

Thời gian qua, bên cạnh việc đẩy mạnh giao đất, cho thuê đất để triển khai các dự án phát triển KT-XH, các cơ quan chức năng của tỉnh đã “mạnh tay” xử lý hàng loạt dự án về nhà ở, khu đô thị, cụm CN chậm triển khai, ảnh hưởng đến đời sống và quyền lợi kinh tế của những hộ dân nằm trong vùng quy hoạch.

Sau khi chấm dứt hoạt động của các dự án này, cơ quan chức năng đã khẩn trương rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất của các khu đất, qua đó có biện pháp quản lý và sử dụng phù hợp, hiệu quả. Đáng ghi nhận là qua rà soát, đã có nhiều khu đất được cơ quan chức năng của tỉnh trả lại hiện trạng cho người dân sử dụng.

Để khai thác giá trị tài nguyên đất một cách bền vững, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng còn phải có giải pháp quản lý chặt, không để xảy ra tình trạng tự ý mở đường trên đất NN để phân lô bán nền trái phép. Bài học những vụ tự ý san lấp mặt bằng, làm đường bê tông trên đất NN để phân lô bán nền gây nên tình trạng đầu cơ, sốt đất ảo vẫn còn đó. Trong bối cảnh triển khai kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của UBND tỉnh, nếu để vấn nạn đó tái diễn thì không chỉ phá vỡ quy hoạch đất đai mà còn gây nên nhiều hệ lụy khôn lường khác.

NGUYỄN HƯNG NHƠN

 

;
.