Đường nối mạch, đất sẽ vượng

Thứ Tư, 25/05/2022, 20:26 [GMT+7]
In bài này
.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Ngoài công tác lập pháp, tại Kỳ họp, Quốc hội sẽ quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án đường cao tốc mới, trong đó có cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Trước đó, đầu tháng 5/2022, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền của Thủ tướng đã ký trình Quốc hội tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1). Theo tờ trình của Chính phủ, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có quy mô quy hoạch 6 - 8 làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khoảng 17.837 tỷ đồng từ nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công và vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách các địa phương, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021.

Mới đây, HĐND tỉnh Đồng Nai khóa X đã thông qua Nghị quyết thống nhất chủ trương và cam kết số vốn ngân sách địa phương bố trí hơn 2,6 ngàn tỷ đồng cho dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Ngay trong sáng 25/5, Kỳ họp thứ 7 – kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh BR-VT khóa VII đã thống nhất bố trí 670 tỷ đồng để trả 50% chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án trọng điểm này trong năm 2022.

Đặc biệt, để phát huy tối đa hiệu quả của tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khi dự án hoàn thành, BR-VT đã tập trung đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối vùng với tuyến cao tốc như: cầu Phước An, đường Liên cảng Cái Mép - Thị Vải, đường 991B. Hiện nay, tỉnh cũng đang tập trung đầu tư mở rộng tuyến đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận (khoảng 7.000 tỷ đồng), tuyến đường vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, đoạn qua tỉnh BR-VT.

Như vậy, từ Trung ương đến địa phương đã và đang quyết liệt thúc đẩy nhanh tiến độ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu - dự án có vai trò rất quan trọng trong việc mở ra không gian phát triển cho Vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam. Đồng thời giải tỏa “điểm nghẽn” khi Quốc lộ 51 đang quá tải, tăng cường giao thông kết nối đến sân bay Long Thành.

Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, thời gian qua, khu vực Đông Nam Bộ có dấu hiệu phát triển chững lại khi hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Hệ thống giao thông khu vực này đang quá tải, diễn ra trên một số tuyến đường bộ, sân bay, cảng biển và đường thủy nội địa nên chất lượng vận tải và dịch vụ vận tải chưa cao, tính cạnh tranh thấp, chi phí chưa hợp lý. Đây cũng là điểm nghẽn lớn nhất, là rào cản cho sự phát triển kinh tế toàn vùng.

Trong cơ sở hạ tầng, hạ tầng giao thông có vai trò then chốt, được ví như mạch máu của nền kinh tế. Đầu tư cho giao thông cũng được xem là mũi nhọn đột phá và là ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Bởi đường mở đến đâu, kinh tế nơi đó phát triển, đời sống người dân khấm khá hẳn lên. “Đường nối mạch, đất sẽ vượng”. Nút thắt lớn nhất, kìm hãm sự phát triển của vùng từng bước được tháo gỡ đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Trong đó, tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu hoàn thành sẽ trở thành tuyến đường huyết mạch trong việc kết nối liên kết vùng, phát huy vai trò của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng biển nước sâu đặc biệt của cả nước và là 1 trong 20 cảng lớn nhất thế giới.

Đồng thời góp phần mở rộng không gian phát triển BR-VT nói riêng, tạo bệ đỡ quan trọng phát triển kinh tế - xã hội đúng tiềm năng, vị thế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

NGÔ GIA

;
.