Thêm gánh nặng với sách giáo khoa

Thứ Năm, 26/05/2022, 20:05 [GMT+7]
In bài này
.
Năm học 2021-2022 chưa kết thúc, câu chuyện về sách giáo khoa (SGK) cho năm học 2022-2023 đã “nóng” lên tại nghị trường Quốc hội và trên các phương tiện báo chí truyền thông.

Cụ thể, sáng 25/5, trong phiên thảo luận tổ của Quốc hội, một số đại biểu cho biết còn nhiều bất cập trong đổi mới SGK, trong đó có tình trạng giá SGK tăng quá cao. Giải thích về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng cần so sánh giá sách tương đồng, tức là so sánh giá các bộ sách được biên soạn mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhau.Theo đó, nếu so với bộ sách cũ thì giá thành dao động từ 50.000 đến hơn 100.000 đồng. Còn giá bộ sách mới dao động 200.000 - 300.000 đồng. Nguyên nhân khiến giá sách mới tăng cao là do có một hệ thống biên soạn mới, xã hội hóa theo chủ trương của Quốc hội là xã hội hóa nhiều bộ sách và các loại sách biên soạn khổ lớn hơn, giấy tốt hơn.

Dư luận cho rằng, giá SGK mới ở mức cao như vậy là chưa phù hợp với đời sống của đông đảo phụ huynh lúc này.

Trải qua 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, đời sống của đại bộ phận người lao động còn nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp mới chỉ thực sự bắt đầu phục hồi sản xuất, kinh doanh kể từ tháng 10/2021, khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Điều đó cũng có nghĩa là hàng triệu người lao động mới có việc làm và thu nhập ổn định trở lại từ cuối năm 2021, chưa kể còn nhiều người vẫn chật vật tìm việc làm mới hoặc đang thất nghiệp vì chỗ làm cũ đóng cửa hoặc cắt giảm việc làm.

Mặt khác, từ cuối năm 2021 đến nay, giá xăng dầu liên tục tăng và hiện đang đứng ở mức cao kỷ lục, giá kéo theo hầu hết các mặt hàng khác tăng giá theo. Đồng lương của người lao động vốn đã eo hẹp nay càng eo hẹp hơn. Với một gia đình có thu nhập khá và ổn định, việc một bộ SGK tăng thêm vài chục hay vài trăm ngàn đồng sẽ không ảnh hưởng đến đời sống, nhưng với người lao động nghèo, đó là cả nỗi băn khoăn, trăn trở. Bởi lẽ, chi phí cho con đi học đâu chỉ là bộ SGK, mà còn là đồ dùng học tập, là đồng phục, là học phí, cùng nhiều khoản đóng góp khác từ bắt buộc đến tự nguyện: bảo hiểm y tế, quỹ lớp…

Một vấn đề nữa dư luận bức xúc nhiều năm nay chưa được Bộ GD-ĐT giải quyết triệt để là việc thay SGK. Nhiều cuốn SGK còn mới nhưng học sinh năm sau không thể dùng lại của học sinh năm trước vì nội dung thay đổi, vì những bài tập được làm trực tiếp vào sách.

Nhớ lại thời chúng tôi còn đi học phổ thông những năm 80-90 của thế kỷ trước. Khi đó, SGK còn ít, kinh tế còn khó khăn nên chúng tôi luôn có ý thức giữ gìn sách để truyền lại cho các em, dù cách nhau đến mấy năm vẫn không bị lỗi thời.

Để giảm bớt gánh nặng về SGK cho phụ huynh học sinh, Bộ GD-ĐT và các địa phương đều có chính sách hỗ trợ sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Thế nhưng, số học sinh được hỗ trợ còn rất khiêm tốn so với số học sinh còn khó khăn. Đồng thời, đầu mỗi năm học mới, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT các địa phương luôn chỉ đạo các trường không được lạm thu. Tuy vậy, trên tinh thần “tự nguyện”, các trường vẫn có cách khiến phụ huynh phải “móc hầu bao” thông qua việc đóng góp quỹ trường, quỹ lớp, mua sắm trang thiết bị học tập hay đồ dùng trong lớp học như quạt điện, máy lạnh, ti vi, máy chiếu, màn hình, rèm cửa… Đó là chưa kể, phụ huynh còn phải chi nhiều khoản tiền khác cho việc học tập của con, trong đó có chi phí học thêm.

Nhiều ý kiến đã chỉ ra rằng, với số lượng xuất bản hàng triệu bản, liệu giá thành của các bộ SGK mới có thực sự cao như vậy hay không? Bộ GD-ĐT rất cần lắng nghe và có sự điều chỉnh kịp thời, đưa giá SGK về mức hợp lý, tránh để xảy ra tình trạng học sinh không thể đến trường vì những khó khăn về kinh tế, không có tiền mua SGK, đồ dùng học tập…

NGUYỄN ĐỨC

;
.