Từ chuyện "chặt - trồng"
Nhấp một ngụm trà, tay lướt smartphone, nông dân Nguyễn Hữu Phương (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) sôi nổi nói về dự định sẽ chặt bỏ 2ha hồ tiêu để trồng bưởi da xanh. Lý giải cho việc này, ông Phương nói rằng hơn 10 năm nay vườn hồ tiêu đã mang lại cho gia đình thu nhập tốt, sắm được xe hơi, xây nhà cửa khang trang, thậm chí còn mua thêm được vài mảnh đất ở thành phố. Nhưng 2 năm trở lại đây, hồ tiêu chạm đáy, gia đình ông liên tục phải bù lỗ. Dù rất tiếc những trụ trồng tiêu được đầu tư kiên cố, vườn hồ tiêu đang ở độ cho năng suất cao với 5 tấn/ha, tuy nhiên ông Phương tin giá hồ tiêu khó có thể khá hơn, trong nguồn cung còn quá nhiều. “Không còn hy vọng vào cây tiêu nữa khi mà diện tích, sản lượng đã vượt quá quy hoạch, tôi đã tham khảo và thấy trồng bưởi da xanh là phù hợp. Hiện nay diện tích trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, đầu ra cũng ổn định. Nhà anh Hai (hàng xóm - PV) trồng có hơn 100 gốc mà thu lãi cả trăm triệu đồng/năm, ông Phương hồ hởi nói.
Ông Phương cũng giống như rất nhiều nông dân khác trên địa bàn tỉnh. Đó là thấy cây, con gì có lãi thì trồng, chăn nuôi, hay còn gọi là nuôi trồng “theo phong trào”. Họ làm vậy vì thấy được cơ hội thu được một số tiền lớn và nhắm mắt trước những rủi ro. Như mảnh vườn 2ha của ông Phương, những năm 1996-2000 vốn trồng điều. Khi cây điều già cỗi, năng suất thấp, giá bán giảm thì ông đã chặt bỏ để trồng mãng cầu, bắp và một số hoa màu khác. Năm 2007, khi thấy cây hồ tiêu bắt đầu được giá, ông Phương lại chặt bỏ mãng cầu sang trồng loại cây này. Cái vòng luẩn quẩn trồng - chặt, chặt - trồng liên tục diễn ra. Nhưng suy cho cùng, biết suy nghĩ để làm ra tiền từ đất như ông Phương, trong thời buổi “mạnh gì trồng nấy” cũng đã là điều hay.
Tuy nhiên, nếu cứ để nông dân tự mày mò, suy nghĩ “nuôi gì, trồng gì” thì không thể nào có nền nông nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phù hợp với kinh tế thị trường. Đặc biệt trong xu thế hội nhập mạnh mẽ hiện nay, sức ép cạnh tranh buộc nông dân phải tiếp cận các cách làm mới, sản xuất theo định hướng và phù hợp với nhu cầu của thị trường. Ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và gần sát chúng ta là cả Thái Lan, nông dân liên kết nhau sản xuất, cùng vào HTX, làm ăn có kế hoạch, trồng con gì - nuôi con gì đều tính toán đầu ra. Nhờ vậy mà họ yên tâm làm ăn, yên tâm làm giàu, không cần phải suy nghĩ với bài toán trồng - chặt. Nói cách khác, đã đến lúc nông nghiệp phải sản xuất theo chuỗi và nông dân cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước; hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học, các DN tổ chức sản xuất và tổ chức xuất khẩu. Chỉ có như vậy, khi nông nghiệp hội nhập quốc tế mới tận dụng được cơ hội, hạn chế được khó khăn, thách thức và trước hết là không để nông dân bị thua ngay trên mảnh đất của mình.
NGÔ GIA