.

Gìn giữ nếp nhà

Cập nhật: 07:45, 04/10/2019 (GMT+7)

Gần đây, các nhà xã hội học, chuyên gia tâm lý nói nhiều về việc xây dựng và gìn giữ nếp nhà. Họ cho rằng nếu có một môi trường gia đình cơ bản, nếp nhà trở thành bộ phận cấu thành nên ý thức mỗi người, thì các thành viên sẽ vì danh dự chung mà cố gắng giữ gìn, bảo vệ, không làm điều sai trái để ảnh hưởng tới uy tín đã có của gia đình. Nếu người lớn trong gia đình thiếu khả năng nêu gương, xao nhãng việc tổ chức, duy trì nếp nhà thì giá trị gia đình dần bị mai một, đạo đức gia đình sẽ bị đứt gãy và các thành viên sẽ trượt dài trong những ứng xử sai lầm, thậm chí có những hành vi vi phạm pháp luật.

Đó là một sự “về nguồn” có ý nghĩa khi mà gần đây liên tiếp xảy ra những vụ án gây rúng động dư luận mà thủ phạm và nạn nhân là người thân trong một gia đình.

Vợ chồng, cha con, anh chị em ruột đang tâm đoạt mạng lẫn nhau là một hiện tượng rất đáng lo ngại. Các hành vi mất tính người gia tăng cả về tần suất và mức độ cho thấy, cái ác, phi nhân tính không chỉ xảy ra ngoài xã hội mà nay đã len lỏi vào tận gia đình. Nó cũng cho thấy giềng mối gia đình đã bị tổn thương, đổ vỡ. Kẻ thủ ác chắc chắn phải đền tội, trả giá nhưng câu chuyện khủng hoảng về đạo đức, lối sống, về giá trị gia đình thì vẫn chưa khép lại.

Tội ác từ những mâu thuẫn gia đình bước đầu được các chuyên gia tâm lý xã hội phân tích “giải mã”: Sự đứt gãy các hệ giá trị của xã hội mà đặc biệt là sự đứt gãy các giá trị trong gia đình. Chính vì sự sa sút cách thức giáo dục trong gia đình, người lớn trong gia đình thiếu khả năng nêu gương, xao lãng việc gìn giữ nếp nhà nên giá trị gia đình nhanh chóng bị xuống cấp, gây nên chấn động tâm lý trong các thành viên gia đình. Không ít kẻ thủ ác có trình độ văn hóa thấp, thiếu sự chăm sóc, nuôi dưỡng của gia đình, suy nghĩ nông cạn, ít hiểu biết về xã hội, thiếu kinh nghiệm sống, mang nặng sự ích kỷ cá nhân. Khi xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn với người thân cộng với thiếu sự kiềm chế, họ xuống tay giết hại người thân không chút ngập ngừng. Những hành vi thể hiện sự rối loạn tâm lý, nhân cách và hành vi trên đây có nguyên nhân sâu xa từ tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp, giáo dục pháp luật bị buông lỏng, chất lượng cuộc sống - nhất là đời sống tinh thần không được như mong muốn. Một bộ phận giới trẻ tôn sùng lối sống hưởng thụ, sống vội, sống gấp, sống thử, ảnh hưởng của của văn hóa ngoại nhập, trò chơi bạo lực, tranh ảnh, băng đĩa kích động bạo lực lại thêm cái đói nghèo đeo đẳng đã khiến họ không còn niềm tin vào cuộc sống, vào gia đình. Trong bối cảnh đó, họ nhanh chóng quay lưng lại với những giềng mối gia đình và dễ có những hành vi lệch lạc. Chỉ cần một câu nói nặng lời, một ánh mắt khinh khi là tội ác phát sinh.

Ở nhiều nước phát triển, mâu thuẫn gia đình thường được các nhà tư vấn tâm lý hóa giải trước khi chúng bùng nổ thành hành vi. Ở nước ta, sự tham gia của các trung tâm tư vấn trong vấn đề giải quyết mâu thuẫn và bạo lực gia đình còn nhiều hạn chế. Việc phân tích, mổ xẻ những nguyên nhân để từ đó có các giải pháp cho vấn đề bạo lực gây án mạng chết người trong gia đình gần đây tuy có được chú ý nhựng vẫn chưa đầy đủ, kịp thời. Đây thực sự là một nỗi lo cần được các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết.

Ngăn chặn, đẩy lùi cái ác, nâng cao sức đề kháng cho từng gia đình - những tế bào của xã hội là vấn đề cấp bách. Tuyên truyền, giáo dục công dân sống tuân thủ pháp luật là chưa đủ. Điều quan trọng là quan tâm làm sống lại những giá trị đạo đức truyền thống, đề cao sự yêu thương, chia sẻ, về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với bản thân, gia đình, giảm bớt những “nút van” căng thẳng, áp lực nặng nề về cuộc sống, thu nhập, việc làm, học hành… Chỉ khi nếp nhà được giữ gìn bền chặt, các thành viên trong gia đình mới quan tâm tới nhau hơn, yêu thương nhau nhiều hơn, không chỉ đủ sức đề kháng mà còn ngăn chặn được nguy cơ tội ác có thể xảy ra.

NGUYỄN HƯNG NHƠN

.
.
.