.

Giảm giờ làm

Cập nhật: 19:39, 06/10/2019 (GMT+7)

Chiều thứ Bảy, trong xưởng sản xuất da - nguyên liệu làm giày, chị Ngô Thị Hải vẫn cặm cụi xẻ, cắt từng miếng da. Mùi hôi xông lên nồng nặc nên theo chị Hải, công nhân luôn phải đeo khẩu trang chống độc 24/24 giờ khi làm việc. 17 giờ 30 phút tan ca, lúc này chị Hải mới tất tả lấy xe máy, rời KCN để đi chợ, lo bữa cơm chiều cho gia đình. Chị Hải cho biết, cũng như các công nhân của nhà máy sản xuất thuộc da, mỗi ngày chị làm việc từ 9-10 tiếng đồng hồ, kể cả thứ Bảy. Cộng cả thời gian tăng ca, mỗi tháng thu nhập từ 6-7 triệu đồng. Chồng chị làm việc tại nhà máy sản xuất gạch cũng đi cả tuần. Do đó, hai đứa con đều phải nhờ người quen đưa đón. “Làm ở công ty sản xuất thuộc da rất mệt, chị em trong nhà máy này đều mong được nghỉ thêm để họ có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình, con cái. Nhiều khi muốn nấu cho cả nhà một bữa ăn ngon vào dịp thứ Bảy, Chủ nhật cũng thật khó vì không có thời gian”, chị Hải cho hay.

Trong thời gian qua, vấn đề thời giờ làm việc kéo dài là một trong những nguyên nhân dẫn đến xung đột, tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể. Theo khảo sát, nhóm kiến nghị về thực hiện các quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi chiếm tỷ lệ cao thứ hai sau tiền lương trong yêu sách của các cuộc ngừng việc tập thể, đặc biệt là yêu cầu giảm tăng ca của công nhân. Trong khi đó, thời gian làm việc dài có thể tạo ra những hậu quả nghiêm trọng với cả người lao động lẫn DN, đến từ việc xáo trộn nhịp sinh học, cuộc sống gia đình và xã hội, tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng, sức khỏe và hiệu suất trong công việc. Do đó, giảm giờ làm sẽ bảo đảm hài hòa với các yếu tố sức khỏe, tạo điều kiện để người lao động có thêm thời gian tái tạo sức lao động, học tập nâng cao trình độ, kỹ năng để góp phần tăng năng suất lao động.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào 21/10 tới đây, dự kiến sẽ thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó có nội dung giờ làm việc của người lao động. Dự thảo Bộ luật vẫn đề xuất giờ làm việc chính thức trong tuần với khối DN là 48 giờ như hiện hành. Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị giảm giờ làm xuống còn 44 giờ. Mục đích của việc giảm giờ làm là để cải thiện sức khỏe và tinh thần của người lao động. Bởi trên thực tế, được nghỉ làm ngày thứ Bảy và Chủ nhật là mong muốn của nhiều người lao động tại các DN sản xuất. 80% trong số những người tham gia cuộc khảo sát trên mạng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây đã đồng ý chọn giảm giờ làm từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các cơ quan Nhà nước được nghỉ cả ngày thứ Bảy mà DN không được nghỉ là không công bằng. Với đề xuất giảm giờ làm chỉ còn 44 giờ/tuần, nghĩa là người lao động trong khu vực DN sẽ được nghỉ chiều thứ Bảy, có điều kiện chăm sóc, phục hồi sức khỏe tốt hơn.

Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu làm thêm tăng thu nhập của công nhân lao động là có thực. Mặt khác, về phía DN cũng có nhu cầu gia tăng sản xuất để đáp ứng các đơn hàng. Tuy nhiên, xu hướng của thế giới hiện nay là tăng lương, giảm giờ làm việc. Trước khi đưa ra quyết sách đúng đắn, cần xem xét trên nhiều khía cạnh khác nữa như nâng cao năng lực quản trị DN, đổi mới công nghệ để năng suất lao động cao lên, thay vì tăng giờ làm việc của người lao động. Nhìn xa hơn, Nhà nước cũng căn cứ vào đó để phát triển nhân lực, phát triển các mục tiêu kinh tế - xã hội. Bởi lẽ, muốn phát triển bền vững cần chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai, nên dành thời gian nhiều hơn cho những đứa trẻ vì chúng rất cần được bố mẹ quan tâm.

NGÔ GIA

 

.
.
.