Muốn phục vụ tốt phải sửa đổi lối làm việc
Tôi vừa được bạn chia sẻ một câu chuyện thú vị và ý nghĩa kể về bác sĩ Trần Duy Hưng nhân kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô (10/10). Trần Duy Hưng là vị bác sĩ được Bác Hồ phân công đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội vào tháng 8/1945. Thời điểm ấy, khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ, bác sĩ Trần Duy Hưng đã thưa rằng: “Cảm ơn cụ. Mong cụ chọn người xứng đáng hơn vì tôi chỉ biết khám chữa bệnh không quen làm lãnh đạo”.
Sau khi nghe Bác nói: “Bản thân tôi cũng chưa bao giờ là chủ tịch nước. Chúng ta phải vừa làm vừa học hỏi”. Sau những đêm ngày suy nghĩ sâu lắng lời tâm sự chân tình của Người, bác sĩ Trần Duy Hưng nhận lời đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Ủy ban Hành chính đầu tiên của thành phố Hà Nội ở tuổi 33. Ông tại vị lâu nhất trên cương vị này, đến năm 1977 khi ông viết đơn từ nhiệm.
Trong nhiều năm, Chủ tịch Hà Nội Trần Duy Hưng tự lái xe đi làm, tự viết các bài diễn văn, tự giao tiếp với người nước ngoài mà không cần đến phiên dịch vì ông thông thạo nhiều ngoại ngữ. Ông là một trí thức tiêu biểu, vừa là người lãnh đạo, vừa là công bộc của dân theo đúng nghĩa. Ông là người đại diện cho thế hệ lãnh đạo Thủ đô với các phẩm chất cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, suốt đời vì dân vì nước…
“Công bộc” của dân là cụm từ quen thuộc, được coi là “nằm lòng” đối với mỗi cán bộ, công chức. Vậy nhưng, không phải tất cả cán bộ, công chức đều thấm nhuần để nỗ lực phục vụ nhân dân đúng chức trách, nhiệm vụ.
Bạn tôi đã nói thế và đề cập đến việc các cấp chính quyền, các đơn vị nên lấy những tấm gương công bộc điển hình để cán bộ, đảng viên theo đó mà học tập. Đặc biệt là giáo dục cán bộ, đảng viên phải “sửa đổi lối làm việc” như Bác Hồ đã từng chỉ ra.
Trở lại với 72 năm trước, vào tháng 10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy bút danh X.Y.Z viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” nhằm vạch ra những sai lầm khuyết điểm, lệch lạc, chấn chỉnh lại nhận thức tư tưởng, nâng cao trình độ chính trị, lý luận, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác của cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng.
Tác phẩm như một “cẩm nang gối đầu giường” của những cán bộ, đảng viên tâm huyết. Bởi nội dung trong cuốn sách hướng tới bồi đắp cho cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị, niềm tin; rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng; nâng cao tinh thần đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, những căn bệnh có hệ lụy từ chủ nghĩa cá nhân, rèn luyện phương pháp lãnh đạo gần dân, trọng dân, thương dân, hết lòng, hết sức vì hạnh phúc của nhân dân, phấn đấu trở thành người chiến sĩ cách mạng chân chính.
72 năm qua từ khi ra đời đến nay, ý nghĩa lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khi toàn Đảng đang tích cực thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Có lẽ không cần phải nhắc lại những suy thoái, biến chất, những “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; cũng như không nhất thiết phải kể lại những câu chuyện về cách hành xử chưa chuẩn mực của một bộ phận cán bộ, đảng viên mà nhân dân vẫn phản ánh. Với bộ máy công quyền, việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về đạo đức công vụ phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và phải “phổ cập” để mọi cán bộ, đảng viên đều nắm bắt, áp dụng trong thực tế theo một chuẩn mực chung. Bởi như lời Bác căn dặn: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Ðiều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Ðảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít mà những tính tốt sẽ ngày càng thêm”.
Gần đây nhất, tại Hội nghị quán triệt các định hướng phát triển của tỉnh và vai trò, trách nhiệm của công chức cấp trưởng phòng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã nhấn mạnh: Về chức trách, nhiệm vụ của công chức, vật chất không phải là tất cả. Cái được lớn nhất, giá trị cao nhất của người cán bộ chính là trưởng thành, là khẳng định mình trong xã hội, đã làm cán bộ, công chức, viên chức thì phải xác định là để phục vụ nhân dân. Nếu xác định vật chất, sách nhiễu nhân dân, doanh nghiệp thì đừng làm cán bộ. Nếu không tâm huyết, không có năng lực, không có trách nhiệm, dứt khoát đừng ngồi vào vị trí lãnh đạo. Chúng ta hãy trả lời mỗi ngày làm được bao nhiêu việc có lợi cho dân, cho sự phát triển của tỉnh, cho cơ quan nơi mình làm việc. Chính quyền phải quan tâm, nâng niu những cán bộ có phẩm chất tốt, có năng lực để họ tự tin ngồi vào ghế làm việc một cách có trách nhiệm, mỗi cán bộ phải tự học, tự đọc sách để nâng cao kiến thức.
SƠN TRÀ