.

Phối hợp quản lý hoạt động du lịch

Cập nhật: 06:51, 11/10/2019 (GMT+7)

Cụ thể hóa Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và tạo điều kiện thuận lợi để du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của mỗi địa phương, vùng miền. Nhờ đó, ngành du lịch của cả nước nói chung và của các tỉnh, thành phố có thế mạnh nói riêng đã có những bước phát triển vượt bậc và trở thành ngành kinh tế quan trọng của nhiều địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ngành du lịch của nước ta đã và đang bộc lộ nhiều bất cập và thách thức, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần chú trọng tăng cường công tác phối hợp quản lý nhà nước về hoạt động du lịch. Thực tế cho thấy, khi triển khai thực hiện Luật Du lịch 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, hầu hết các địa phương đang gặp phải vướng mắc về mô hình và phương thức quản lý khu du lịch. Mặc dù đã có sự phân cấp, Nhà nước quản lý khu du lịch quốc gia, UBND các tỉnh, thành phố quản lý khu du lịch cấp tỉnh, nhưng trong thực tế tại mỗi địa phương lại có nhiều khu du lịch có quy mô khác nhau, mô hình quản lý cũng khác nhau và sự gắn kết các tour, tuyến du lịch chưa đồng bộ. Ngay cả việc quản lý các khu di tích vẫn còn có sự chồng chéo, hoặc chưa được quản lý đầy đủ, nhất là các khu di tích nhỏ, chủ yếu vẫn do người dân địa phương quản lý theo kiểu tự phát, gây nhiều khó khăn trong việc đầu tư, quảng bá hình ảnh đến khách du lịch. Mặt khác, kinh doanh du lịch tại các địa phương luôn có những biến động, cần sự liên kết rộng khắp và sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, đơn vị; đòi hỏi sự tham gia của nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Từ hoạch định chính sách du lịch, tổ chức thực hiện các nội dung, chính sách du lịch đến hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan chuyên môn, như: Hoạt động xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch; hoạt động kinh doanh du lịch; hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch; hoạt động bảo đảm an ninh, hỗ trợ nhân lực cho các lễ hội và các cơ sở kinh doanh... 

Với sự năng động trong công tác quản lý, du lịch BR-VT đã có nhiều khởi sắc, có thêm nhiều sản phẩm du lịch chất lượng và nhiều điểm đến thân thiện với môi trường. Đồng thời, nhờ sự tham gia của đông đảo các đối tượng kinh doanh du lịch và sự quản lý thống nhất của các cơ quan chính quyền nên hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội cho các địa phương, doanh nghiệp. Mặc dù vậy, vào mùa cao điểm, tình trạng mất vệ sinh, hiện tượng chèo kéo, bán hàng rong, ép giá khách du lịch vẫn còn tái diễn. Tính chuyên nghiệp khi xây dựng và quảng bá sản phẩm du lịch chưa được nâng cao. Nhằm phát huy những tiềm năng lợi thế, khắc phục những tồn tại, hạn chế đang tác động tới đà tăng trưởng của ngành du lịch, mới đây, UBND tỉnh  đã ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Quy chế nêu rõ, công tác phối hợp quản lý nhà nước dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện được thực hiện bảo đảm đồng bộ, kịp thời, chặt chẽ, thống nhất trong công tác quản lý, kiểm soát các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Quy chế cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong công tác phối hợp quản lý hoạt động du lịch, như: Bảo vệ, khai thác tài nguyên du lịch, khai thác các khu, điểm, tuyến du lịch; các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; an ninh, trật tự du lịch; môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm; giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ du lịch; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động du lịch...

Sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các sở, ban, ngành; của các cấp chính quyền địa phương trong công tác phối hợp quản lý hoạt động du lịch là góp phần củng cố và phát triển hình ảnh du lịch BR-VT ngày càng chuyên nghiệp và hấp dẫn hơn; đồng thời tạo dựng môi trường du lịch thân thiện, hài lòng đối với du khách trong nước và quốc tế. Các chương trình phối hợp trong công tác quản lý hoạt động du lịch cần được triển khai sâu rộng, kịp thời và thực hiện có hiệu quả từ các xã, phường, các điểm di tích, các khu du lịch tới các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các sở, ban, ngành và các cơ quan chức năng.

HOÀNG LÊ

 

.
.
.