.

Tăng cường quản lý lao động

Cập nhật: 20:42, 11/10/2019 (GMT+7)

Theo Sở LĐTBXH, hiện nay toàn tỉnh có gần 16.000 DN, trong đó hơn 8.500 DN thường xuyên sử dụng từ 5 lao động trở lên. Việc quản lý lao động chủ yếu thông qua quy định về báo cáo của DN. Tuy nhiên, việc báo cáo của DN về thay đổi lao động theo quy định còn rất thấp, hàng năm chưa đến 500 DN báo cáo.

Đáng chú ý, trong những năm gần đây, số lượng người LĐNN có trình độ và kinh nghiệm vào làm việc tại Việt Nam nói chung và tỉnh BR-VT rất nhiều. Qua đó đã đáp ứng sự thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là những lĩnh vực mới, đòi hỏi công nghệ cao. Tuy nhiên, đối với lao động nước ngoài, cơ quan chức năng hiện nay chỉ nắm bắt được tình hình khi DN đến đăng ký và xin cấp giấy phép cho các vị trí công việc. Riêng những lao động làm việc phổ thông tại các công trình hoặc lao động nước ngoài làm việc ở các tàu cá thì việc quản lý gần như còn bỏ ngỏ.

Quản lý nhà nước về lao động nhằm bảo đảm và thúc đẩy quan hệ lao động, thị trường lao động phát triển theo những định hướng mà Nhà nước đã đặt ra. Ngoài ra, cũng thông qua việc quản lý lao động, các cơ quan quản lý Nhà nước có thể theo dõi, thống kê, cung cấp thông tin về cung cầu và sự biến động cung cầu lao động; quyết định chính sách, quy hoạch, kế hoạch về nguồn nhân lực, dạy nghề, phát triển kỹ năng nghề, phân bố và sử dụng lao động toàn xã hội. Quy định danh mục những nghề chỉ được sử dụng lao động đã qua đào tạo nghề hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Từ thực tế nêu trên cho thấy, nếu không quản lý tốt được lao động sẽ tác động tiêu cực đến chính sách lao động - việc làm và cả định hướng phát triển nguồn nhân lực tại địa phương. Cơ quan quản lý Nhà nước khó thống kê, thông tin về lao động và thị trường lao động, về mức sống, thu nhập của người lao động cũng như thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về lao động; giải quyết tranh chấp lao động.

Để tăng cường quản lý Nhà nước về lao động thì trước tiên cần tuyên truyền, phổ biến thường xuyên chính sách pháp luật đối với việc quản lý lao động đến tổ chức, DN dưới hình thức phù hợp, thiết thực. Phân cấp quản lý về lao động, việc làm cho các địa phương cấp huyện, xã, tránh trùng lắp, bỏ trống trong quản lý về lao động tại địa bàn. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc chia sẻ thông tin, hỗ trợ người sử dụng lao động, cấp giấy phép lao động, quản lý lao động. Các địa phương không vì thu hút đầu tư mà nới lỏng quản lý LĐNN.

PHƯƠNG ANH

 
.
.
.