Doanh nhân với trách nhiệm xã hội
Chủ nhật tuần rồi, trong một quán cà phê trên đường Phạm Hồng Thái, TP. Vũng Tàu, tôi tình cờ gặp một nhóm doanh nhân (DN) trẻ đang sôi nổi bàn chuyện làm công tác xã hội nhân ngày DN Việt Nam 13/10. Họ phân công nhau người lo xe, kẻ chuẩn bị hàng hóa, hẹn ngày giờ, địa điểm tập kết… để khởi hành đến một xã vùng sâu huyện Xuyên Mộc tặng quà cho học sinh nghèo.
Hỏi các bạn ở doanh nghiệp nào, kinh doanh ngành nghề gì… các DN trẻ từ chối khéo, chỉ cho biết đang trong giai đoạn khởi nghiệp, mọi việc còn ở phía trước. Việc tặng quà, giúp đỡ học sinh nghèo là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, DN, không có gì là to tát.
Ngày nay, những DN chân chính đều nhận thức được rằng doanh nghiệp thu lợi nhuận nhờ xã hội nên đóng góp trở lại cho xã hội là điều nên làm. Doanh nghiệp sẽ được nhận lại nhiều lợi ích khi làm tốt trách nhiệm đó. Đây chính là “kế sách” phát triển bền vững đối với doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay. Khi mà hàng loạt vụ việc gian lận thương mại, kinh doanh hàng kém chất lượng, gây ô nhiễm môi trường, vi phạm quyền lợi người lao động, xâm phạm lợi ích người tiêu dùng, lạm dụng sức lao động công nhân, không đảm bảo an toàn lao động đang “nóng” lên qua các vụ việc VN Pharma bán thuốc chữa ung thư giả, đại gia Trịnh Sướng kinh doanh xăng dầu giả, “ông trùm” Alibaba Nguyễn Thái Luyện bán đất nền ảo, lừa đảo khách hàng... đặt vấn đề đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, DN vào lúc này cũng là cần thiết.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, DN trước hết là ứng xử có văn hoá với khách hàng thể hiện qua sự cam kết về chất lượng sản phẩm, tính trung thực trong quảng bá sản phẩm, cũng như bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Không thực hiện được cam kết này thì tổn thất lớn nhất không phải là sự trừng phạt của luật pháp mà là sự tẩy chay của người tiêu dùng đối với thương hiệu doanh nghiệp.
Kết quả của nhiều cuộc khảo sát gần đây cho thấy, lòng tin của người tiêu dùng và cộng đồng phần lớn được xây dựng qua trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, DN, góp phần củng cố niềm tin với khách hàng, tạo được sự gắn bó trong nội bộ, đồng thời thu hút lao động có chuyên môn cao. Không ít các DN đã khẳng định, khi DN có trách nhiệm cụ thể với người lao động và cộng đồng, hoạt động của doanh nghiệp tốt đẹp hơn rất nhiều.
Những năm qua, chung tay với chính quyền, cộng đồng DN trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu đã nghiêm túc thực hiện các cam kết trách nhiệm xã hội, đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội. Từ phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng quà các gia đình chính sách, hỗ trợ bếp ăn từ thiện đến xây dựng, sửa chữa nhà đại đoàn kết; ủng hộ các quỹ khuyến học, vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa…
Từ nguồn đóng góp của nhân dân và cộng đồng DN, đến nay tỉnh BR-VT đã xây dựng được hàng ngàn ngôi nhà “đại đoàn kết” cho người nghèo; hỗ trợ vốn giúp người nghèo phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo; trao học bổng, xe đạp, dụng cụ học tập cho học sinh, sinh viên nghèo; Đầu tư hệ thống nước sạch cho người dân; trợ cấp ốm đau, bệnh hiểm nghèo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn. Các hoạt động xã hội đó giúp DN tạo nên nét văn hóa tốt đẹp, xây dựng ý thức, trách nhiệm vì cộng đồng trong đội ngũ nhân viên.
Một số DN lâu nay hỗ trợ rất hào phóng cho các quỹ từ thiện, các chương trình quyên góp, đấu giá trên truyền hình và tin rằng mình đã làm tốt trách nhiệm xã hội. Thật ra, trách nhiệm xã hội không dừng lại ở việc giúp đỡ tiền bạc mà còn là nhận thức và kiên trì thực hiện cam kết của DN đối với xã hội, đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động, cộng đồng và xã hội. Trách nhiệm xã hội cũng không phải là những hoạt động hỗ trợ ngắn hạn, đứt đoạn, không chỉ ở phần ngọn là giúp đỡ người nghèo ở đâu đó mà còn là trách nhiệm với chính lực lượng lao động của mình, với chất lượng nguồn nhân lực.
Một ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 lại đến, việc kêu gọi, “đánh thức” trách nhiệm xã hội ở các DN không ngoài mục đích giúp các doanh nghiệp phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, chăm lo vật chất, tinh thần của người lao động, tổ chức tốt các hoạt động cộng đồng. Một DN chỉ thực sự được coi là thành công, có thương hiệu, được mọi người nhớ đến khi toàn tâm toàn ý thực hiện trách nhiệm xã hội (Corporate Social Responsibility-CSR) một cách bài bản, coi đó là nhân tố chính trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh và sự phát triển vững bền của doanh nghiệp.
NGUYỄN TRIỆU HẢI