.

"Niềm tin" trong nền kinh tế số

Cập nhật: 18:26, 02/10/2019 (GMT+7)

Xã hội loài người, ở từng đất nước, thời kỳ chưa phát triển, thời kỳ đang phát triển niềm tin trong các mối quan hệ giao tiếp được coi là thiêng liêng. Khi xã hội phát triển, văn minh, hiện đại, niềm tin chiến lược trong các mối quan hệ xã hội càng là điều tối thượng. Quan hệ giữa người với người cũng như quan hệ giữa các quốc gia, nếu mất niềm tin coi như mất tất cả. Để lấy lại niềm tin, phải mất rất nhiều thời gian và trải qua nhiều thử thách mới.

Nghị quyết của Bộ Chính trị ban hành ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặt mục tiêu: Tận dụng hiệu quả các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với việc thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết của Bộ Chính trị yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hoàn thiện các quy trình, thủ tục hành chính phù hợp với hoạt động của chính quyền số; cắt giảm tối đa giao dịch trực tiếp.

Xây dựng đô thị thông minh, thực hiện hoạt động của chính quyền số, cắt giảm giao dịch trực tiếp - họp trực tuyến; thực thi cuộc họp không cần giấy… chính là hoạt động của nền hành chính số và kinh tế số. Có hàng loạt vấn đề cần làm, triển khai đồng bộ để thực hiện mục tiêu của nền hành chính số - kinh tế số, nhất là những yếu tố liên quan đến con người - đội ngũ. Có thể nói, hoạt động hành chính số - kinh tế số là hoạt động giao dịch trên mạng. Sự thiếu lòng tin, cát cứ, bưng bít thông tin dưới vỏ bọc “mật”, “tuyệt mật” hoàn toàn xa lạ với nền kinh tế số. Mọi công dân, không loại trừ bất cứ ai, nhất thiết phải được quyền tiếp cận thông tin từ các cấp chính quyền. Đó chính là việc xây dựng niềm tin giữa chính quyền với người dân. 

Hơn thế, giao dịch trên mạng phải bảo đảm an toàn tuyệt đối. Không an toàn, thông tin bị rò rỉ, bị đánh cắp, đó là điều tệ hại, mất hết niềm tin. Giữa đêm khuya, nghe tiếng “bíp” trên chiếc điện thoại thông minh, mở ra xem thì mấy chục triệu đồng có trong tài khoản hay thẻ tín dụng đã bị kẻ nào đó đánh cắp, bị bốc hơi. Tiền trong tài khoản, trong thẻ tín dụng bị đánh cắp, giao dịch tiền tệ không an toàn, vậy ai còn dám giao dịch? Thiếu lòng tin sẽ không bao giờ có giao dịch, đủ để thấy, xây dựng niềm tin trong nền kinh tế số quan trọng đến mức nào.  

Công dân A. đi đâu cũng có người theo dõi, bằng một thiết bị định vị rẻ tiền, bán đầy trên thị trường. Một tin nhắn gửi đi qua mạng điện thoại, bị người khác đánh cắp, phục vụ cho ý đồ cá nhân mờ ám. Một người khách vừa làm thủ tục check-in chuyến bay từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất về Hà Nội, lập tức có hàng chục tin nhắn, cuộc gọi mời chào dịch vụ các loại xe hơi đón khách từ sân bay quốc tế Nội Bài về trung tâm thủ đô. Trong trường hợp này, bị quấy nhiễu, một hành khách đã tắt nguồn điện thoại, nhét nó vào cặp, miệng bực bội làu bàu: “Đồ chết tiệt!”. Như vậy là quyền riêng tư bị xâm phạm, rò rỉ và bị kẻ khác lợi dụng.

Rốt cuộc, đạo đức xã hội - xây dựng niềm tin giữa con người, của con người vẫn là điều cần hướng tới. Chính nó là “bà đỡ” thúc đẩy kinh tế số phát triển. Đạo đức và sự an lành của xã hội không cho phép bất cứ ai can thiệp bất hợp pháp vào cuộc sống riêng của người khác. Mất niềm tin, chính nó làm thui chột, phá hoại giao dịch trên mạng, cản trở kinh tế số phát triển. 

Bên cạnh yếu tố công nghệ, niềm tin trong nền kinh tế số quan trọng biết nhường nào. Những điều quan trọng này đã được Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế số - chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư - chỉ rõ và nhắc nhở thực thi có hiệu quả.

HẢI VÂN

.
.
.