.

Ngư dân với việc gỡ "thẻ vàng" thủy sản

Cập nhật: 19:01, 16/10/2019 (GMT+7)

Một người quen của tôi ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền làm “bạn ghe” cho một chủ tàu cá đánh bắt xa bờ ở địa phương. Anh là 1 trong 53 ngư dân được Indonesia trao trả (đợt thứ 3) trong tháng 12/2018 sau một khoảng thời gian bị bắt giữ do khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước này. 

Mới đây gặp lại nhau, anh cho biết vẫn mưu sinh bằng nghề đi biển, làm “bạn ghe” cho ông chủ cũ. Điều khiến tôi ngạc nhiên là nhận thức về đánh bắt xa bờ của anh đã thay đổi đáng kể. Anh hiểu biết tường tận đường phân định giữa Việt Nam với các nước trên vùng biển phía Nam, hệ quả của việc xâm phạm, khai thác hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài cũng như những chế tài đối với tàu cá xâm phạm chủ quyền vùng biển của họ. Anh cũng nhận thức được rằng nếu tiếp tục vi phạm vùng biển nước ngoài, khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam (khai thác IUU) thì mục tiêu gỡ “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC) vào tháng 11 tới đây sẽ càng thêm khó. 

Anh cho biết có được sự am hiểu đó là nhờ tham gia các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biển, đảo; Các quy định pháp luật liên quan đến khai thác IUU và Luật Thủy sản do Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 và Đồn Biên phòng Phước Tỉnh tổ chức. 

Theo ghi nhận của Bộ đội Biên phòng tỉnh, thời gian qua số lượng tàu cá của Bà Rịa - Vũng Tàu hoạt động khai thác hải sản tại vùng biển chồng lấn, giáp ranh với các nước trong khu vực đã giảm mạnh. Tính từ tháng 7/2018 đến nay, không có tàu cá nào của ngư dân trong tỉnh bị nước ngoài bắt giữ về hành vi trên. Sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng như Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, Bộ đội Biên phòng, Sở NN-PTNT, Sở Ngoại vụ… trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến chống khai thác IUU đã tạo chuyển biến tốt trong ngư dân về việc không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, hiểu rõ những hệ quả tiêu cực mà một trong số đó là việc EC áp dụng cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản xuất khẩu. Tất nhiên, bên cạnh đó còn có những giải pháp quyết liệt khác như giám sát chặt chẽ tàu cá đánh bắt xa bờ, đặc biệt chú trọng quản lý chặt số tàu cá nằm trong danh sách vi phạm, kiên quyết xử lý nghiêm chủ tàu cá và ngư dân vi phạm…

Bằng việc tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân về đánh bắt xa bờ, các quy định pháp luật liên quan đến chống khai thác IUU, nhiều địa phương có nghề cá trong cả nước cũng đạt những kết quả đáng ghi nhận: tình trạng tàu cá của ngư dân đánh bắt hoạt động khai thác hải sản tại vùng biển chồng lấn, giáp ranh với các nước trong khu vực đã giảm dần, những tháng đầu năm 2019 không có tàu cá nào bị nước ngoài bắt giữ. Khi được hỏi, nhiều ngư dân nói giờ đây họ đã hiểu hậu quả, tác hại của việc xâm phạm chủ quyền nước khác để đánh bắt hải sản. Và đây là lúc phải thay đổi thói quen đánh bắt, chủ động hợp tác, tuân thủ các quy định thì mới sớm gỡ bỏ được “thẻ vàng” và khi “thẻ vàng” được gỡ bỏ thì ngư dân chính là người được hưởng lợi.  

Chủ trương khuyến khích ngư dân vươn khơi, đánh bắt xa bờ đã được Chính phủ quan tâm từ nhiều năm qua bằng nhiều chương trình tín dụng, trong đó chương trình cho vay đóng tàu theo Nghị định 67/CP được bà con ngư dân đón nhận hào hứng. Chủ trương này đã hiện thực hóa giấc mơ tàu vỏ thép của nhiều ngư dân, giúp bà con tăng năng suất đánh bắt, nâng cao chất lượng bảo quản thủy sản, tiếp tục vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thế nhưng, ngoài sự đầu tư trên đây, trong quá trình đi đánh bắt xa bờ, công tác truyền thông về những quy định, nguyên tắc đánh bắt trên biển chưa được cơ quan chức năng quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng nhiều tàu cá của ngư dân xâm phạm lãnh hải, khai thác trái phép tài nguyên của các nước. Gần đây, số tàu cá của ngư dân bị các nước trong khu vực bắt giữ tăng mạnh khi đánh bắt trái phép trong vùng biển của các nước này, công tác này mới được đẩy mạnh và đã phát huy hiệu quả, ngư dân đã ý thức hơn trong đánh bắt hải sản, không xâm phạm lãnh hải nước ngoài.  

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Quang Hùng đã rất đúng khi cho rằng, ý thức của ngư dân đóng vai trò quan trọng trong việc gỡ “thẻ vàng” với thủy sản. Ông Hùng tin chắc nếu các địa phương tiếp tục công tác tuyên truyền, giúp ngư dân hiểu rõ việc xâm phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài là vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng để từ đó ký cam kết không vi phạm thì việc xem xét gỡ “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam vào cuối năm nay sẽ không quá khó, thậm chí còn mở ra cơ hội để ngành thủy sản tập trung tái cơ cấu, đưa nghề cá nhân dân thành nghề cá công nghiệp, có trách nhiệm và phát triển bền vững. 

NGUYỄN TRIỆU HẢI

 

.
.
.