.

Nỗi buồn môn Sử

Cập nhật: 18:29, 15/07/2018 (GMT+7)

Bộ GD-ĐT vừa công bố điểm thi THPT quốc gia 2018. Theo đó, Lịch sử là môn có điểm thi thấp nhất trong số các môn. Điểm trung bình của môn Lịch sử  trên cả nước là 3,79 điểm; Số thí sinh (TS) có điểm dưới trung bình là 468.628 TS - chiếm 83,24%. Nhiều địa phương như TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai…, số TS đạt điểm trên trung bình chỉ chiếm 20%, còn 80% còn lại có điểm thấp.

Kể từ kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2013, năm mà cả nước có hơn 1.000 TS bị điểm 0 môn Lịch sử, từ đó đến nay, năm nào tỷ lệ TS đạt điểm trên trung bình ở môn thi này cũng thấp và năm nay còn thấp hơn so với các năm trước.

Giáo viên dạy môn Lịch sử tại các trường THPT chia sẻ rằng họ buồn nhưng không bất ngờ về phổ điểm thi môn Lịch sử trong kỳ thi năm nay. Theo họ, đề thi Sử năm nay ra theo hướng đánh giá năng lực - tức không chỉ kiểm tra kiến thức học thuộc, mà còn kiểm tra khả năng nhận biết, thông hiểu, vận dụng… nên nếu thí sinh học Sử vẫn theo lối chỉ học thuộc thì không thể làm bài đạt điểm cao. Điều này cho thấy có sự “vênh” giữa học và thi. Mặt khác, tâm lý chung của các TS là thi Lịch sử chủ yếu để xét tốt nghiệp, còn lại dồn hết sức để học 3 môn chính cho xét tuyển đại học. Thực tế cho thấy những TS dự thi môn Lịch sử với mục đích xét tuyển ĐHCĐ có điểm số cao hơn hẳn so với những TS chỉ dự thi với mục đích tốt nghiệp. Rõ ràng cách học “thực dụng” của nhiều TS đã ảnh hưởng tới điểm môn Lịch sử, khiến điểm thi của môn học này thấp tệ hại trong nhiều năm qua.

Lịch sử từ lâu vẫn được coi là môn học quan trọng trong bậc học phổ thông nhưng trên thực tế lại chưa được coi trọng. Cả thầy và trò chỉ tập trung dạy và học thuộc lòng theo sách giáo khoa được thiết kế và trình bày dàn trải, la liệt các sự kiện nặng nề, nhàm chán, thừa những cái không cần thiết, thiếu những nội dung cơ bản, tiêu biểu; Năng lực, tư duy của người dạy và người học chưa được chú trọng phát huy; Kiến thức được truyền thụ theo lối đọc-chép, nặng về thống kê, nhồi nhét số liệu thay vì khuyến khích học sinh tự tư duy, cảm nhận được những tháng ngày quá khứ qua những câu chuyện sinh động, dễ hiểu. Cố GS Đinh Xuân Lâm, người đã dạy môn Lịch sử hơn 60 năm từ bậc phổ thông đến trên ĐH, là người chủ biên sách giáo khoa Lịch sử lớp 7, 8, 12 những năm trước đây đã có một nhận định thẳng thắn: “Dạy và học sử trên lớp hiện nay là công việc thụ động cả hai chiều!”. GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cũng nói thẳng: “Cách dạy lịch sử và nội dung môn lịch sử không gợi mở cho học sinh tìm hiểu, suy nghĩ, tự đánh giá vấn đề mà nhồi nhét vào đầu học sinh những ý nghĩa đã được ấn định. Điều này làm cho việc giáo dục lịch sử trở nên giáo điều, gây phản ứng tiêu cực từ phía học sinh”.

Kết quả thi môn Lịch sử năm nay liệu có là “cú hích”, góp phần tác động đến cách dạy sử và học sử trong những năm học tới? Nếu được như thế quả là điều đáng mừng.

Điều được trông đợi là môn Sử sẽ được thiết kế lại sao cho nhẹ nhàng và hấp dẫn, tạo hứng thú cho người học và cả người dạy; Phương pháp, hình thức giáo dục cũng phải hết sức phong phú, đa dạng. Thay vì cứ ngồi trong lớp học để ghi chép những cột mốc, con số vừa khó nhớ vừa gây nhàm chán, học sinh cần được đưa đến các bảo tàng, di tích lịch sử làm tăng hứng thú học tập, khơi dậy lòng đam mê môn Lịch sử trong các em.

Nếu thời gian tới vai trò của môn Lịch sử không được coi trọng, việc dạy và học môn Lịch sử trong nhà trường vẫn còn nhiều bất cập, nền giáo dục “ứng thí” vẫn còn chi phối việc học và thi thì điểm thi Lịch sử của TS sẽ khó cải thiện.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

.
.
.