Kích cầu du lịch từ môi trường
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, ngày càng có vị trí quan trọng đối với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường. Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đặt mục tiêu đến 2020, Việt Nam sẽ thu hút được 17 - 20 triệu khách quốc tế, 82 triệu khách nội địa, đóng góp 10% GDP, tổng doanh thu từ du lịch đạt 35 tỷ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.
Năm 2017, được ghi nhận là năm thành công của ngành du lịch Việt Nam, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về lượng khách du lịch quốc tế và nội địa. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, du lịch Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, đáng chú ý là chiến lược phát triển thị trường khách chưa rõ ràng, thiếu tính khoa học và chưa nhạy bén với những biến động về kinh tế, xã hội. Điều này không chỉ diễn ra đối với các cơ quan quản lý du lịch cấp quốc gia, mà ngay tại nhiều địa phương có thế mạnh về du lịch cũng còn tồn tại nhiều bất cập, dẫn tới tình trạng bị động, lúng túng. Mặt khác, kích cầu du lịch nội địa đạt hiệu quả chưa cao, năng lực cạnh tranh còn thấp, nhất là mùa du lịch thấp điểm. Mặc dù đã có sự điều chỉnh, nhưng du lịch nước ta vẫn còn chú trọng tăng về số lượng mà chưa tập trung vào những phân khúc khách có khả năng chi tiêu cao, cùng các giải pháp và chính sách phối hợp liên ngành nhằm tăng chi tiêu đối với du khách.
Với môi trường du lịch còn nhiều bất cập, du lịch nước ta đang được xếp hạng trung bình về năng lực cạnh tranh. Nhiều du khách quốc tế (và kể cả khách du lịch nội địa) thường bị phiền nhiễu bởi ý thức kinh doanh du lịch manh mún, nhỏ lẻ và thiếu chuyên nghiệp ở các điểm đến, điểm lưu trú. Phổ biến nhất là tình trạng đeo bám bán hàng, ăn xin, vòi vĩnh, trộm cắp, thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm, thói quen xả rác bừa bãi. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính và thực thi các chính sách nhiều khi thiếu thống nhất, chậm được điều chỉnh, sửa đổi (như chính sách miễn thị thực, hay cấp thị thực điện tử ở các thị trường trọng điểm).
Môi trường thiên nhiên và môi trường kinh doanh du lịch từ tác động của con người luôn là những yếu tố quan trọng thúc đẩy và kích cầu ngành du lịch phát triển. Để ngành du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn cần chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, kịp thời có những giải pháp đáp ứng nhu cầu của du khách và khai thác những lợi thế khác biệt để tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, từ đó hình thành các tuyến du lịch nội vùng và liên vùng có tính hấp dẫn và cạnh tranh cao. Chất lượng sản phẩm du lịch phụ thuộc nhiều vào việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch, trong đó cần tập trung đào tạo kỹ năng nghề cả về năng lực quản lý, nghiệp vụ chuyên môn và trình độ ngoại ngữ; đặc biệt, cần quan tâm xây dựng và bảo vệ môi trường theo tiêu chí “Du lịch xanh-sạch-đẹp”. Đồng thời, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, tạo ra các sản phẩm du lịch phù hợp với nhiều phân khúc thị trường để tạo lập hình ảnh và vị thế du lịch trong và ngoài nước nhằm thu hút du khách. Mặt khác, cần kịp thời thống kê, đánh giá, phân loại và xếp hạng một cách đầy đủ nguồn tài nguyên du lịch, từ đó có kế hoạch và chiến lược kinh doanh hợp lý, tránh tình trạng tài nguyên du lịch thì nhiều nhưng bị khai thác một cách bừa bãi. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý du lịch cần xác định bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quy hoạch phát triển du lịch, nhằm duy trì và làm phong phú thêm hệ sinh thái tự nhiên tại các điểm du lịch.
HOÀNG LÊ