Nối dài sự cống hiến
Nếu không được trực tiếp nghe kể chuyện, chắc ít ai nghĩ rằng những người phụ nữ nhỏ bé, khiêm nhường kia lại là những chiến sĩ một thời được coi là “có sức níu cánh máy bay, bịt nòng đại bác, chặn đứng chiến xa và bẻ gãy hành quân càn quét của địch”. Đó chính là các mẹ, các chị của “Đội quân tóc dài” năm xưa.
Từ phong trào Đồng Khởi, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh Đảng bộ, phụ nữ Bà Rịa - Long Khánh đã xây dựng tổ chức lực lượng thành lập “Đội quân tóc dài”.
“Đội quân tóc dài” gồm những mẹ, những chị, những người nông dân bình dị đã che chở, nuôi dưỡng, tiếp tế lương thực cho bộ đội. Mỗi bà mẹ, mỗi chị là một cơ sở ở sát ngay nách địch đều là chiến sĩ giao liên, trinh sát, hậu cần với nhiều phương thức hoạt động phong phú. Chị em đảng viên mật, du kích mật, tự vệ mật trong những năm tháng ác liệt nhất vẫn bám dân hoạt động ngay trong lòng địch, trong sự kềm kẹp gắt gao của quân thù. Với nhiều hình thức đấu tranh như chính trị, binh vận, vũ trang trên địa bàn tỉnh, các mẹ, các dì, các chị đã mưu trí, dũng cảm vạch mặt tố cáo tội ác của giặc.
Trong những ngày tháng Tư lịch sử này, một lần nữa, câu chuyện của các mẹ, các chị lại khiến cho chúng ta suy nghĩ nhiều hơn về sự cống hiến. Câu chuyện của dì Võ Thị Xuân, Tiểu đội trưởng Tiểu đội pháo cối Hòa Long là: “Hồi đó đứa nào cũng nhỏ con nhưng hăng hái lắm, chúng tôi chẳng biết sợ là gì. Những năm tháng chiến tranh ở trong rừng lúc nào cũng đói. Tôi còn nhớ, có lần đói quá, tìm trái rừng ăn. Không biết trái gì nên chúng tôi cứ gọi là trái bí, tìm hoài chẳng có nữa. Vậy mà cũng cứ bám trụ, chiến đấu đến cùng”. Trong câu chuyện của các mẹ, các chị còn nhắc đến má Năm Côn ở Tân Thành, 53 tuổi gánh 60 lít gạo vượt qua trạm kiểm soát của địch vào căn cứ bộ đội một cách an toàn. Hay má Diệu, dì Sáu Tuyết, chị Bảy Khánh, chị Năm Trinh… và nhiều chị em phụ nữ khác đã gan dạ chiến đấu ngay trong lòng địch, dù bị bắt bớ, tù đày, tra tấn dã man nhưng các chị vẫn kiên định, giữ vững phẩm chất, khí tiết cách mạng để đấu tranh giành độc lập. Nhiều người trong số họ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho quê hương, cho Tổ quốc mà lỡ cả hạnh phúc riêng. Trong câu chuyện ngày hôm đó, nhiều bạn trẻ khi được nghe, đã len lén lau những dòng nước mắt...
43 năm qua, chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhưng chúng ta không thể quên sự hy sinh tuổi thanh xuân của các chị, các mẹ của “Đội quân tóc dài”, góp phần không nhỏ vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đặc biệt là vào những ngày này, khi cả nước đang hướng tới kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta đang nói nhiều đến việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Thế nhưng, ít ai biết rằng, những bài học lịch sử có ý nghĩa giáo dục về lòng yêu nước, sự cống hiến lại hết sức gần gũi.
Hẳn nhiên trong câu chuyện về “Đội quân tóc dài”, thêm một lần nữa cho chúng ta suy nghĩ nhiều hơn về sự cống hiến. Những câu chuyện này cần được kể nhiều hơn trong các giờ học lịch sử, cần được nhắc lại nhiều hơn trong thế hệ trẻ. Bởi lẽ, các thế hệ đi trước đã làm tròn sứ mệnh đối với quê hương, với đất nước, thì nhiệm vụ của thế hệ hôm nay và mai sau là xây dựng một Việt Nam cường thịnh, sánh vai với các quốc gia trên thế giới.
Đó là nối dài sự cống hiến.
THẢO PHƯƠNG