.

Phòng, chống tra tấn người

Cập nhật: 17:29, 25/04/2018 (GMT+7)

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến trong CBCCVC và nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn” trên địa bàn tỉnh BR-VT. Kế hoạch này là văn bản cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 65/QĐ-TTg ngày 12-1-2018 đối với công tác tuyên truyền, phổ biến Công ước của Liên hợp quốc “về chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người” mà Nhà nước đã ký kết và chính thức triển khai thực hiện đầu năm 2015.

Trước đó, tại các hội nghị phổ biến các nội dung cơ bản của Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 (đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018) do các cấp, các ngành triển khai trên địa bàn tỉnh, vấn đề tôn trọng các quyền con người về danh dự, sức khỏe, tính mạng là một nội dung quan trọng được pháp luật quy định rõ: Nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe con người của cơ quan tố tụng trong quá trình diễn ra hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, tạm giữ, tạm giam và kể cả trong quá trình quản chế người chấp hành hình phạt tù theo bản án của Tòa án.

Tra tấn được hiểu là việc người này có chủ ý gây đau khổ tâm lý hoặc thể chất (sử dụng bạo lực, hành hạ, làm đau đớn, tạo sự lo sợ hoặc làm nhục) đối với người khác. Sự tra tấn thường được thực hiện như một phương tiện cho một mục đích cụ thể, chẳng hạn như để ép có được một lời thú tội, khai báo, một sự rút lui nhượng bộ, để có một thông tin hoặc để phá vỡ ý chí và sức đề kháng của người khác.

Chế định chống tra tấn thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của Nhà nước, thể hiện sự quyết tâm duy trì nền tảng đạo đức, pháp lý và văn hóa quyền con người đã được khẳng định trong chủ trương, đường lối của Đảng và Hiến pháp Việt Nam năm 2013; cho thấy nỗ lực của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền con người, tạo cơ sở pháp lý quan trọng góp phần hiệu quả trong đấu tranh chống các luận điệu vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.

Trước đây, quy định pháp luật về hình sự và chế độ giam, giữ của nước ta cũng đã có chế định nghiêm cấm hành vi sử dụng bạo lực của người thi hành công vụ đối với người vi phạm pháp luật. Đã có nhiều vụ án bức cung, dùng nhục hình bị đưa ra xét xử, nghiêm trị kịp thời, được dư luận đồng tình ủng hộ. Cụ thể như tại BR-VT, ngày 15-4-2016, TAND tỉnh đã tuyên phạt Lê Trọng Hữu (24 tuổi, công an viên xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc) và Tòng Văn Chín (23 tuổi, dân quân xã Hòa Bình,) mỗi người 5 năm tù giam về hành vi đánh anh Nguyễn Tiến Thành (ngụ xã Hòa Bình) trong khi xử lý một vụ gây rối trật tự công cộng, khiến anh Thành bị tổn hại sức khỏe đến 64%.

Việc tuyên truyền, phổ biến trong CBCCVC và nhân dân theo Kế hoạch của UBND tỉnh về nội dung “Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn” trên địa bàn BR-VT không chỉ dừng lại ở phạm vi các cơ quan có hoạt động tố tụng hình sự (truy bắt, điều tra, xét xử, tạm giữ, tạm giam…), mà còn phải được hiểu và mở rộng ra đến phong cách ứng xử của CBCCVC ở các ngành khác trong giao tiếp với công dân và đồng nghiệp, cấp dưới, không được dùng lời lẽ, hành vi thiếu chuẩn mực xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác (hạ nhục gây đau khổ tâm lý). Đồng thời, tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân bằng nhiều thức sinh động, trực quan về phòng, chống tra tấn nhằm nâng cao ý thức điều chỉnh hành vi theo hướng tích cực, ứng xử có văn hóa, đạo đức khi giao tiếp và giải quyết các mâu thuẩn phát sinh mỗi ngày trong cộng đồng dân cư.

NHỰT THANH

 

.
.
.