.

Hãy đọc sách mỗi ngày

Cập nhật: 08:16, 20/04/2018 (GMT+7)

Cuối tuần, bạn rủ tôi đi nhà sách và tặng tôi cuốn “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” của tác giả Rosie Nguyễn - một cây viết trẻ vừa qua tuổi 30. Cuốn sách này đang được nhiều người tìm đọc, bởi nội dung là những lời khuyên có giá trị không chỉ dành riêng cho người trẻ. Trong số những lời khuyên ấy, tôi tâm đắc nhất khi Rosie Nguyễn cho rằng nên đọc sách, cố gắng dành thời gian để đọc sách mỗi ngày, bởi sách là một trường học lớn, dạy cho ta rất nhiều thứ để trưởng thành.

Tuy không phải ai đọc sách cũng thành công trong cuộc sống, nhưng trên thực tế, đã có không ít người thành công nhờ tự học qua những cuốn sách. Và đã có hẳn một công trình khoa học nghiên cứu để khẳng định rằng hầu hết các nhân vật nổi tiếng trên thế giới đều yêu sách và thường xuyên đọc sách, dù họ là những người cực kỳ bận rộn!

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là tấm gương như thế. Người từng chia sẻ: “Về văn hóa, tôi chỉ học hết tiểu học. Về hiểu biết phổ thông, 17 tuổi tôi mới nhìn thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 20 tuổi mới nghe radio lần đầu”. Nhưng, cả cuộc đời mình, Người đã không ngừng tự học. Ngày 9-2-1961, khi nói chuyện với các đảng viên lâu năm, Hồ Chủ tịch đã tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học... Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”. Với Bác, nguyên lý và phương thức học được tóm gọn: “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân”. Ở khía cạnh học trong sách vở, Người coi sách chính là “thuốc chữa tội ngu” và là một nguồn quan trọng có thể đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi tự do, bình đẳng, bác ái là gì? Từ những thắc mắc đầu tiên ấy về sau cũng chính nhờ sách báo, Bác đã tìm ra con đường cứu nước, cứu dân và hình ảnh “Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lenin” đã đi vào lịch sử. Theo Người, bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc.

Quay trở lại với hiện tại, nhiều người hay kêu ca rằng, ở thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, bùng nổ ứng dụng kỹ thuật số, dường như thói quen và nhu cầu đọc sách ngày một ít đi, nhất là ở giới trẻ. Điều đó, theo tôi chỉ đúng với một bộ phận nhỏ, bởi bằng chứng là có rất nhiều trẻ em mỗi cuối tuần vẫn say sưa đọc sách “cọp” ở các nhà sách. Nhiều bạn tôi vẫn bỏ ra hàng triệu đồng mỗi tháng để mua sách. Và ngày càng nhiều cuốn sách «bestseller» là của những cây viết trẻ ham đọc sách, ham trải nghiệm qua những trang sách. Sách là món quà được trân quý vào mỗi dịp sinh nhật, hay thậm chí là một dịp kỷ niệm đặc biệt nào đó. Và những tủ sách miễn phí đã và đang được thiết lập ở khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn. Thậm chí phong trào xây dựng “tủ sách phụ huynh”, “tủ sách lớp em”, “tủ sách giáo xứ”, “tủ sách dòng họ”… đã lan tỏa đến nhiều tỉnh, thành trong nước.

Giá trị của sách cũng đã được nâng cao hơn khi ngày 24-2-2014, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21-4 hàng năm là “Ngày Sách Việt Nam”. Ngày Sách Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đồng thời, hoạt động này còn nhằm tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.

THẢO LINH

 

.
.
.