Giá đất không thể tăng mãi
Những ngày này, câu chuyện thời sự được nhiều người quan tâm là “cơn sốt” bất động sản (BĐS) đang rất “nóng”. Tại nhiều nơi ở TP. Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Đồng Nai, BR-VT… giá đất tăng chóng mặt, đến nỗi vừa mua xong bán sang tay đã có lời.
Cũng như nhiều địa phương trên, điều dễ nhận thấy trong “cơn sốt” BĐS ở BR-VT là người mua phần đông là giới đầu tư, đầu cơ. Họ thường dùng các chiêu và đội ngũ môi giới “thổi giá” để kiếm lời. Trên các trang mạng mua bán nhà đất và nhóm facebook bất động sản, các thông tin rao bán đất xuất hiện dày đặc. Ai quan tâm sẽ thấy rõ, nhiều khu vực ở TP.Vũng Tàu, TP.Bà Rịa, huyện Tân Thành, huyện Châu Đức chỉ chưa đầy 1 năm trước vốn rất được ít người chú ý thì nay người ta rao bán đất rầm rộ. Thực tế, người có nhu cầu mua nhà, đất để ở tại những khu vực này rất ít. “Cơn sốt” BĐS kéo theo hệ lụy là khiến những người thực sự có nhu cầu về nhà ở - trong đó đa phần là người lao động, các gia đình trẻ - ngày càng khó có khả năng sở hữu một chốn an cư.
Nguyên nhân của “cơn sốt” BĐS hiện nay ngoài yếu tố thị trường, có sự thay đổi về hạ tầng, thay đổi quy hoạch, các chiêu trò của giới đầu cơ, còn có nhiều yếu tố khác. Nhiều người Việt Nam vẫn còn tâm lý coi đất là tài sản quan trọng “phải có mảnh đất cắm dùi”, là kênh đầu tư dễ sinh lời so với vàng, đô la, chứng khoán hay gửi ngân hàng, bởi quan niệm, con người thì sinh sôi chứ đất không thể “nở” ra được. Vì vậy, mới có những chuyện trong “cơn sốt” BĐS, chỉ cần chậm 1 ngày, 1 giờ, thậm chí là vài phút, người này đã mất cơ hội vào tay người khác.
Ở BR-VT, đặc biệt là TP.Vũng Tàu, kinh tế - xã hội phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, kéo theo tình trạng tăng dân số cơ học cao nên nhu cầu về nhà ở của người dân cũng rất cao. Thế nhưng, quy hoạch đô thị đã không theo kịp sự phát triển đó. Nhiều khu vực quy hoạch “treo” nhiều năm nhưng các cơ quan liên quan không kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ. Tình trạng này dẫn đến hệ lụy là quỹ đất vẫn còn nhiều nhưng đụng đâu cũng vướng quy hoạch. Người dân muốn sửa chữa, xây dựng nhà ở nhưng không được. Do đó, những khu đất được quy hoạch làm khu dân cư luôn có giá cao, được nhiều người săn lùng. Mặt khác, các thông tin hủy bỏ hoặc thay đổi quy hoạch thường đến với người dân rất chậm, đôi khi là mập mờ, chỉ một số ít người được biết. Không ít người trong số này đã đứng ra mua gom đất trong vùng quy hoạch để chờ thời cơ bán kiếm lời…
Các chuyên gia kinh tế đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ quả bóng BĐS hiện nay sẽ nổ, nhưng vấn đề là khi nào thì rất khó xác định. Nhưng, chúng ta cũng biết, hậu quả của những lần vỡ “bong bóng” BĐS là rất nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế - xã hội. Điển hình như năm 2007-2008, bong bóng BĐS vỡ đã tác động đến nhiều ngành kinh tế khác khiến nợ xấu ngân hàng tăng cao, sức mua thị trường giảm, thị trường BĐS đóng băng nhiều năm, lãi suất ngân hàng tăng cao sau đó khiến nhiều DN BĐS và người đầu tư thua lỗ, buộc Chính phủ phải triển khai nhiều gói tín dụng hỗ trợ để kích cầu thị trường này.
Vai trò điều tiết của Nhà nước là rất quan trọng nhưng sự sáng suốt của người dân mới là yếu tố quyết định để kìm chế “cơn sốt” BĐS hiện nay. Giá đất sẽ không thể tăng mãi một cách vô lý. Khi người cần mua để ở không đủ khả năng, người đầu tư cũng sẽ đến lúc không thể chịu đựng nổi khi giá đất quá cao, không bán được hàng sẽ phải hạ giá bán. Chỉ khi đó, giá đất mới trở về với đúng giá trị thực của nó.
ĐỨC NGUYÊN