Thay đổi thói quen để sản xuất sạch
Tại hội nghị chuyên đề về nông nghiệp sạch do Liên minh HTX tỉnh tổ chức vào ngày 5-3 vừa qua, sau khi nghe ông Đinh Nhựt Định (Tổng Giám đốc Công ty TNHH AVI - Tập đoàn AVI của Mỹ) giới thiệu mô hình vườn cây ăn quả sạch ở Mỹ và hiệu quả của việc sử dụng phân bón hữu cơ trên cây trồng, đã có 2 HTX xung phong làm đại lý phân phối phân bón AVI. Họ bày tỏ mong muốn được góp phần quảng bá sản phẩm hữu cơ, giúp nông dân chuyển sang hướng sản xuất sạch, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển nền nông nghiệp sạch tại Việt Nam.
Đây là một tín hiệu vui cho thấy người dân Việt Nam, cụ thể hơn là các DN sản xuất, tiêu thụ nông sản đã ý thức được việc sản xuất sạch không chỉ là yêu cầu đặt ra, mà là yếu tố sống còn của nền nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, các DN, HTX dẫu sao cũng là những thành phần ít nhiều đã được tiếp cận với thị trường xuất khẩu, cho nên họ sớm nhận thức được lợi ích của việc sản xuất sạch cũng là điều dễ hiểu. Còn đối với người nông dân Việt Nam từ bao đời nay đã quen làm ăn theo hướng tự phát, để thay đổi thói quen, nhận thức và hành vi trong sản xuất là điều không dễ.
Nông trại trái cây trong clip mà ông Đinh Nhựt Định chiếu cho hội nghị xem nếu nói về quy mô, kỹ thuật sản xuất cũng không hơn so với Việt Nam. Sự khác biệt ở đây chính là quy trình sản xuất và bảo quản sản phẩm. Người nông dân Mỹ nâng niu, chăm sóc cây trồng từ khi còn là hạt giống cho đến khi cây ra hoa, kết quả. Họ hiểu rõ cây trồng cần gì qua từng giai đoạn sinh trưởng để chủ động cung cấp chất dinh dưỡng, phòng ngừa sâu bệnh, chứ không như đại đa số nông dân Việt Nam trồng cây chỉ biết tưới nước và bón phân, xịt thuốc vô tội vạ. Họ chỉ có khái niệm diệt sâu bệnh, chứ không có ý thức phòng ngừa sâu bệnh từ lúc cây còn nhỏ.
Đến khâu thu hoạch, người nông dân Mỹ nâng niu từng trái chín, phân loại và áp dụng các biện pháp khoa học để bảo quản tự nhiên chứ không sử dụng hóa chất bảo quản như cách làm khá phổ biến ở ta. Những loại trái cây trồng ở Mỹ cũng rất gần gũi như xoài, mận, nhãn, mảng cầu ta… chỉ khác là bảo đảm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, người tiêu dùng không phải lo ngại khi sử dụng. Sau khi xem clip ai cũng nhận ra sản xuất sạch không hề tốn thêm chi phí và công sức, nhưng giá trị sản phẩm gia tăng rất lớn. Trái cây ở Mỹ đắt gấp cả chục lần so với ở Việt Nam, đơn cử như 1kg nhãn ở nước ta chỉ có giá khoảng 30.000 đồng, nhưng ở Mỹ lên đến 18 USD!
Người nông dân Việt Nam cũng cần phải hiểu là hiện nay nhu cầu tiêu thụ trái cây nhiệt đới ở nhiều nước trên thế giới vẫn còn rất lớn, trong khi thị trường vẫn chưa đáp ứng đủ. Do khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp nên nhiều loại trái cây nhiệt đới trồng ở các nước châu Mỹ cho dù có được chăm sóc tỉ mỉ đến đâu thì năng suất, chất lượng vẫn không thể sánh bằng Việt Nam. Đó chính là dư địa trên thị trường xuất khẩu trái cây, không chỉ DN mà chính người nông dân cũng cần phải biết để lạc quan, tin tưởng vào tiềm năng của mình.
Xây dựng quy trình sản xuất sạch với quy mô cả nước, cho dù người nông dân có đồng tình ủng hộ, thì cũng không thể chỉ trong một vài năm là có được. Bởi, sau nhiều năm sử dụng hóa chất, đất nông nghiệp của ta đã bị nhiễm độc rất nặng, cần phải có thời gian mới có thể “rửa” sạch đất, cũng như thói quen của nhà nông không thể trong một sớm, một chiều là thay đổi được. Mà cần có sự kiên trì vào cuộc của cả cộng đồng: Các nhà quản lý, chuyên gia nông nghiệp, DN và người nông dân.
Một nền nông nghiệp sạch có lẽ phải bắt đầu bằng sự thay đổi mạnh mẽ từ nhận thức cho đến thói quen và hành vi của chính những người trong cuộc mà tâm điểm là người nông dân trực tiếp tham gia sản xuất.
LAM PHƯƠNG