.

Hội hoa và đường sách

Cập nhật: 19:08, 27/02/2018 (GMT+7)

Hội hoa Xuân Mậu Tuất của TP. Vũng Tàu đã bế mạc, nhưng hiện nay nhiều người vẫn đến đây ngắm cảnh và chụp ảnh lưu niệm. Trong không gian của hội hoa tại công viên Quang Trung vẫn còn những mô hình núi, ngọn hải đăng, các cụm trang trí hình cá vượt sóng, hình người nhảy múa, hình nốt nhạc, cánh đồng cừu, cối xay gió, ngôi nhà cổ tích… Chúng đẹp vào ban ngày, lại lung linh vào ban đêm với ánh sáng của các loại đèn trang trí nghệ thuật. Nhận xét chung của dư luận là hội hoa xuân năm nay của TP. Vũng Tàu có ý tưởng thiết kế mới, đẹp, lạ mắt, thỏa mãn người xem.

Có lẽ thành công này sẽ giúp Ban tổ chức tìm được cảm hứng để sáng tạo những hình thức mới, đẹp hơn, gây ấn tượng mạnh hơn cho hội hoa xuân Kỷ Hợi 2019 sắp tới. Lại nghĩ, những khu vực đắc địa như công viên Quang Trung giá mà quanh năm cũng được làm đẹp như hội hoa xuân để làm một địa chỉ không thể bỏ qua cho khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm thì càng tốt. 

Cùng khai trương và gắn liền với không gian của hội hoa xuân là “Đường sách Xuân Mậu Tuất 2018”.  Đường sách (nằm ở đầu đường Bacu) có 11 quầy sách, 6 quầy văn hóa phẩm, 1 sân khấu tổ chức các sự kiện về sách. Tham gia đường sách Xuân Mậu Tuất có những nhà xuất bản, công ty phát hành sách lớn (NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, NXB Chính trị Quốc gia, NXB Văn hóa văn nghệ, NXB Tổng hợp, Công ty CP Văn hóa Phương Nam…) với nhiều đầu sách thiếu nhi, sách văn học, văn hóa - xã hội, kinh tế, khoa học - kỹ thuật… Từ 27 tháng Chạp (12-2) đến mùng 10 tháng Giêng (25-2), đường sách phục vụ 15 ngàn lượt độc giả, doanh thu 1,5 tỷ đồng. 

Khác với Hội hoa xuân, Đường sách xuân là bước chuẩn bị để chính thức mở Đường sách của TP. Vũng Tàu, dự kiến vào dịp Ngày sách Việt Nam (21-4). Vũng Tàu là địa phương thứ ba làm mô hình đường sách theo kinh nghiệm của các mô hình đường sách, phố sách đã ra đời trước ở Hà Nội và TP.HCM. Nhưng việc hình thành, hiệu quả hoạt động… của các mô hình tại Hà Nội và TP. HCM đến nay vẫn đặt ra những vấn đề nan giải. Bởi thế, kết quả của Đường sách Vũng Tàu xuân Mậu Tuất chưa khẳng định được nhiều điều; và việc đánh giá mô hình đường sách có thành công hay không phải thận trọng và cần có thời gian.

Khi dư luận trao đổi ý kiến về cách làm đường sách, phố sách ở Hà Nội, TP. HCM, nhiều người đã lấy vị trí của đường sách để giải thích những khó khăn của phố sách 19-12 ở Hà Nội và chứng minh cho thành công của phố sách khác cũng ở Hà Nội là Đinh Lễ, hoặc ở TP. HCM là đường Nguyễn Văn Bình. Theo Martin Raman, một chuyên gia của Ngân hàng Thế giới làm việc tại Hà Nội, thì vào những năm 1960, bà Jane Jacobs là một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất về các thành phố có đưa ra vài điều kiện để đô thị được sôi động và có sức thu hút. Thứ nhất, các khối phố phải có hơn hai chức năng (như vừa là khu vực công sở vừa là khu thương mại, vừa là khu tài chính - ngân hàng vừa là khu vực du lịch và dân cư…) để kéo mọi người đến đây vì những mục đích khác nhau, vào những thời điểm khác nhau trong ngày và đêm. Thứ hai, các khối phố nên có nhiều lối giao cắt, đem đến cho người đi bộ nhiều cơ hội tương tác. Thứ ba, các khối phố nên có sự hòa trộn giữa các cư dân giàu và nghèo, và ở đó các tòa nhà cũng nên đa dạng về tuổi tác và hình thức...

Theo lý thuyết này, Raman cho rằng phố sách 19-12 ở Hà Nội gặp khó khăn là vì xung quanh nó không có nhiều thứ “sôi động” đáng quan tâm, trong khi phố Đinh Lễ ở Hà Nội và Nguyễn Văn Bình ở TP. HCM đều rất hấp dẫn về không gian đô thị, đều nằm ở trung tâm của quy hoạch đô thị thời thuộc Pháp, giữa các tòa công sở duyên dáng và đường dạo bộ. Đường Nguyễn Văn Bình nằm giữa nhà Bưu điện Sài Gòn, gần đó là công viên và Dinh Thống Nhất. Cạnh phố Đinh Lễ là những tòa kiến trúc oai nghiêm, sang trọng, cách đó không xa có vườn hoa để đi dạo, đầu kia của phố là Hồ Gươm, nơi được cho là quyến rũ nhất Hà Nội. Còn cạnh phố 19-12 chẳng có gì; thậm chí nó còn bị bao vây bởi các khách sạn, nhà hàng thượng lưu và khu căn hộ cao cấp chủ yếu phục vụ người nước ngoài. Phố sách 19 - 12 vì thế khó có “đất sống”…

Ý kiến trên có thể cần tranh luận, nhưng các kinh nghiệm của Hà Nội và TP. HCM về chọn vị trí mở đường sách đã được người Vũng Tàu nghiên cứu ra sao? Vị trí đặt Đường sách của Vũng Tàu được chọn theo phương pháp nào, đã có thể bảo đảm tối đa các yếu tố tạo sức hút với các đối tượng người đọc chưa? Có nên sử dụng khuôn viên Nhà truyền thống cách mạng số 1, Bacu để mở rộng không gian cho đường sách?…

Nhưng trước mắt, dẫu sao cũng phải thừa nhận TP. Vũng Tàu đã dành cho đường sách một trong những nơi đẹp nhất và thuận tiện cho người dân đến để thực hiện các sinh hoạt văn hóa, tinh thần như thư giãn, vui chơi, ngắm cảnh, đọc sách,… Vấn đề còn lại làm nên thành công cho đường sách là tình yêu sách của người Vũng Tàu lớn như thế nào, cách kinh doanh của các nhà sách trên đường sách chuyên nghiệp như thế nào.

Mong cho đường sách của TP. Vũng Tàu sớm ra đời, hoạt động có hiệu quả để người yêu sách Vũng Tàu được thụ hưởng một không gian văn hóa tao nhã.

HẢI THANH

 

.
.
.