.

Kiềm chế cơn nóng giận

Cập nhật: 18:24, 26/02/2018 (GMT+7)

“Ô tô va chạm, 2 chủ xe xuống bắt tay hòa giải” là câu chuyện văn hóa giao thông ngày đầu năm đang được nhiều người chia sẻ trên mạng Internet mấy ngày nay. Hành vi ứng xử văn minh của 2 chủ xe khiến nhiều người ngưỡng mộ, diễn ra tại tỉnh Bắc Ninh ngày 22-2. Vì sao một hành động đúng mực và nên làm như thế lại được dư luận xem như là một hành động lạ lẫm đến như vậy?

Phải chăng những câu chuyện đẹp về văn hóa ứng xử trên đất nước ta vẫn còn quá ít so với những hành vi ứng xử kém văn minh, dùng nắm đấm để nói chuyện phải trái khi giải quyết mâu thuẫn. Hầu như ngày nào chúng ta cũng đọc được thông tin ở tỉnh này, thành phố nọ xảy ra xô xát, án mạng liên quan đến chuyện ứng xử, giải quyết mâu thuẫn. Đơn cử, thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trong dịp Tết Mậu Tuất vừa qua, các cơ sở y tế trên cả nước đã ghi nhận 4.184 trường hợp nhập viện vì đánh nhau, trong đó 13 trường hợp tử vong. Tại BR-VT, trong dịp Tết Mậu Tuất cũng xảy ra 2 vụ án mạng vì dùng hung khí để giải quyết mâu thuẫn… Đặc biệt, vụ thảm án giết 5 người trong một gia đình ở TP.Hồ Chí Minh vào ngày giáp Tết đã gây chấn động dư luận. Thủ phạm là người làm thuê của gia đình và nguyên nhân gây án được thủ phạm khai là trong quá trình làm việc, y hay bị chủ la mắng nên nảy sinh tư tưởng trả thù. 

Điểm đáng chú ý là những vụ ẩu đả, xô xát thường liên quan đến người trẻ nhiều hơn. Chẳng hạn, trong số 4.184 trường hợp nhập viện vì đánh nhau dịp Tết vừa qua, có đến 70% là ở nhóm 20-40 tuổi, trong đó phổ biến nhất vẫn là nhóm 20-30 và một tỷ lệ đáng kể ở nhóm 16-20 tuổi. Nhiều nhà nghiên cứu xã hội học cho rằng, tuổi trẻ nông nổi, bồng bột, thích khẳng định cái tôi của mình, trong khi còn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm sống; bị ảnh hưởng bởi trào lưu phim ảnh, game bạo lực… là những nguyên nhân khiến cho họ có xu hướng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, thay vì bằng lý lẽ, bằng hành vi ứng xử có văn hóa.  

Tôi rất tâm đắc khi xem một video clip trên facebook hướng dẫn về thái độ ứng xử. Trong clip, một khán giả được mời lên hỗ trợ diễn giả. Giả thiết được đặt ra là diễn giả có lỗi trước với vị khách mời và diễn giả đưa ra 2 tình huống ứng xử. Tình huống thứ nhất: Vị khách mời nọ trách cứ diễn giả bằng thái độ nóng giận. Diễn giả trả đũa bằng thái độ thách thức, dẫn đến cả hai cùng tranh cãi gay gắt, có nguy cơ xảy ra xung đột. Tình huống thứ hai: Vị khách mời liên tục trách cứ diễn giả, nhưng đáp lại, diễn giả chỉ toàn khen ngợi vị khách mời bằng những lời lẽ tốt đẹp, phù hợp. Kết quả, sau một hồi, vị khách mời cũng phải thốt ra những lời tốt đẹp để “đáp lễ” và cuối cùng, cả hai vui vẻ hòa giải.

Bài học trên cũng như trong câu chuyện đầu bài viết, hành vi ứng xử văn minh của 2 người chủ xe ô tô đã có một cái kết đẹp là không ai bị tổn thương danh dự, thân thể, ngược lại, hành vi ứng xử của họ còn là tấm gương sáng để nhiều người chia sẻ, noi theo. Khi đó, giá trị họ thu được lớn hơn rất nhiều so với thiệt hại về vật chất do vụ va quẹt giữa 2 chiếc ô tô của họ. Giả sử, nếu họ không bình tĩnh kiềm chế mà lao vào tranh cãi, thậm chí là ẩu đả để phân định thắng thua như nhiều trường hợp khác thì có lẽ hậu quả sẽ lớn hơn rất nhiều. 

Đối mặt với một vấn đề, chúng ta thường có nhiều phương án giải quyết. Vấn đề ở chỗ, mỗi người phải biết kiềm chế cơn nóng giận nhất thời để đưa ra phương án giải quyết tốt nhất, có lợi nhất cho mình, cho người. Trong đó, việc cãi cọ, dùng sức mạnh không bao giờ là phương án tối ưu, bởi thực tế đã chứng minh, nhiều người “cả giận mất khôn”, do nóng giận đã gây ra hậu quả rồi mới bình tâm suy nghĩ lại thì đã muộn, buông ra câu cảm thán “giá như…”.  

NGUYỄN ĐỨC

.
.
.