.

Đừng tốn tiền mua nỗi lo

Cập nhật: 15:35, 23/02/2018 (GMT+7)

Ngày 23-2, Báo Bà Rịa-Vũng Tàu có đăng bài “Chuốc âu lo vì xem bói đầu năm”. Bài viết phản ánh việc có những người cả tin, tốn thời gian, tiền bạc cho những lời “phán” và mách nước “giải hạn” của những người bói toán.

Tưởng chừng như xã hội ngày càng văn minh thì việc xem bói sẽ bị đẩy lùi. Nhưng không, hành vi xem bói luôn diễn ra, nhất là vào dịp năm mới âm lịch. Dịp này, xem bói lại “vào mùa làm ăn”  khi nhiều người tìm đến “thầy” bói xem quẻ đầu năm. Và trong thực tế, người đi xem bói cũng hết sức đa dạng, bất kể tuổi tác, đó có thể là người nghèo, người giàu, người kinh doanh, người có học thức, sinh viên…

Các chuyên gia tâm lý học cho rằng, những người có nhu cầu xem bói thường là những người có vấn đề về bản thân hay gia đình. Họ là những người sống trong tâm thế bất an, sợ hãi, thiếu niềm tin nơi bản thân và bế tắc, cuộc sống không có định hướng nên với họ, xem bói như là cứu cánh; Nhưng cũng có những người đi xem bói xuất phát bởi sự tò mò. Họ rỉ tai nhau về ông “thầy” bói toán này, bà “thầy” bói kia phán “đúng” lắm và rủ nhau đi xem. Thường thì khi xem bói sẽ tùy thuộc vào chủ ý của người đi xem bói và nhờ “thầy” bói xem cho mình về tình duyên, gia đạo, việc học hành thi cử, tuổi tác, việc thăng quan tiến chức… Khai thác những đặc điểm tâm lý của người xem bói, các “thầy” bói thường lợi dụng về tiền bạc và thậm chí hậu quả của việc xem bói gây ra những hệ lụy thật nặng nề.

Qua các phương tiện truyền thông, chúng ta được thấy nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười. Có cuộc hôn nhân đang yên ổn, nghe lời rủ rê, người vợ đi xem bói, “thấy” phán chồng có bồ. Thế là, người vợ ngày đêm lo âu, canh gác chồng. Chồng đi làm về trễ chút là cằn nhằn “đi với bồ chán chê rồi mới về”. Chồng có cuộc điện thoại của nữ đồng nghiệp gọi đến trao đổi công việc cơ quan thì người vợ “làm mình, làm mẩy” vì cho rằng 2 người nhớ nhau và gọi điện thân mật… Lâu dần, những hành vi ứng xử không phải đạo của người vợ làm cho người chồng mệt mỏi, chán nản và gây bất ổn trong hạnh phúc gia đình; nặng hơn nữa là ly dị, gia đình tan vỡ. Có trường hợp, người cha, người mẹ do tin lời “thầy” bói nói trong gia đình có đứa con tuổi xung khắc với mình nên dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử; người mẹ vì “trừ tà” cho con mà gây ra cái chết cho con ruột. Hay như cặp đôi nam nữ yêu nhau, do tin lời “thầy” bói phán không hợp tuổi nên cô gái đòi chỉa tay, vì quẫn trí nên chàng trai đã sát hại cô gái và tự tử. Trên đây chỉ là một số ít sự việc có thật nhằm minh họa, thực ra còn rất nhiều những hệ lụy từ việc xem bói ảnh hưởng xấu đến môi trường gia đình, xã hội gây ra sự ly tán, những xung đột thậm chí nảy sinh lòng thù hận.

Trong bài viết “Chuốc âu lo vì xem bói đầu năm”, Đại đức Thích Thiện Thuận, Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Chủ trì Viện Chuyên Tu (khu phố Vạn Hạnh, TT. Phú Mỹ, huyện Tân Thành) đã khuyên: “Những việc xem bói, xin xăm, xin quẻ, mê tín dị đoan là không nên, không tốt. Mọi việc tốt, xấu trong cuộc sống đều do con người làm chủ chứ không gì quyết định thay được ngoài bản thân mỗi người”. Thật vậy, để có công danh, sự nghiệp, bản thân mỗi người phải có chí cầu tiến, tự phấn đấu, chăm chỉ và làm việc có trách nhiệm. Công danh, sự nghiệp không phải từ trên trời rơi xuống mà ngồi ngửa cổ chờ. Để gia đình hạnh phúc, vợ-chồng phải tôn trọng nhau, cùng chung tay chăm chút, vun đắp gia đình ngày càng phát triển, rộn ràng niềm vui...

Pháp luật đã có quy định rất rõ ràng về hành vi lợi dụng bói toán để vi phạm pháp luật. Tại điểm a, khoản 2, Điều 15, Nghị định 158/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi. Theo quy định tại Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội hành nghề mê tín, dị đoan: Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm…

Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm ra tay dẹp bỏ mê tín, dị đoan và xử phạt người hành nghề mê tín, dị đoan theo quy định của pháp luật. Về phía người dân, đừng tốn tiền để mua nỗi lo cho bản thân nữa.

PHÚC LƯU

.
.
.