.

Đốt vàng mã, lãng phí tiền tỉ!

Cập nhật: 16:38, 25/02/2018 (GMT+7)

Những ngày đầu xuân Mậu Tuất 2018, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có một động thái thu hút sự quan tâm của dư luận: Có công văn đề nghị các Phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Công văn kêu gọi “chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo”.

Không chỉ các nhà quản lý và giới nghiên cứu Phật học hoan nghênh mà nhiều người dân cũng đồng tình với việc làm của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng trong giáo lý nhà Phật không có việc đốt vàng mã cúng tế người chết, tục đốt vàng mã không chỉ gây lãng phí tiền của xã hội mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đến không gian cửa Phật. Trong xã hội còn rất nhiều người nghèo khó, nên vận động lấy số tiền đốt vàng mã đó để làm việc nghĩa, việc thiện sẽ tốt đẹp hơn.

Tục đốt vàng mã ở nước ta đã có từ lâu và diễn ra trong nhiều hoạt động của đời sống như động thổ xây dựng nhà cửa, cúng sao, giải hạn, ma chay… nhưng đốt nhiều nhất là vào dịp lễ xá tội vong nhân (rằm tháng Bảy âm lịch), lễ hội Bà Chúa Kho, lễ chùa Bà Bình Dương, lễ hội Bà Chúa xứ núi Sam, các tiết thanh minh, tảo mộ. Vài năm trở lại đây, tục đốt vàng mã có xu hướng phát triển mạnh với nhiều biến tướng mê tín, dị đoan, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, cộng đồng. Thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng cho thấy mỗi năm cả nước đã đốt cho “cõi âm” hơn 50.000 tấn vàng mã, riêng tại Hà Nội hơn 400 tỉ đồng đã được chi cho việc “hóa vàng”. 50.000 tấn giấy bị đốt đồng nghĩa với chừng đó số gỗ bị đốn hạ; Thắp hương và đốt vàng mã là một trong những nguyên nhân dẫn đến cháy nổ; Việc đốt và rải giấy vàng mã vô tội vạ khiến lượng rác thải và không khí ô nhiễm tăng cao. Tro bụi, khói nghi ngút ở khắp nơi, từ sân thượng, cổng nhà, từ nghĩa trang cho tới khuôn viên miếu mạo, đền chùa… Người dân đốt vàng mã đã đành, không ít cơ quan, DN cũng nô nức sắm sanh lễ vật, kéo nhau đi chùa xì xụp cúng sao giải hạn, hóa vàng, cầu cho sếp và cán bộ, nhân viên tai qua nạn khỏi(?!). Trong dịp lễ Vu Lan năm 2009, một đại gia thầu cát xây dựng tại sông Hồng đã xác lập “kỷ lục” đốt vàng mã với việc bỏ ra hơn 400 triệu đồng thuê 6 người làm 1.000 người, ngựa giấy, đốt “tặng” Thổ công, Hà Bá mong các “ngài” phù hộ cho giá cát tăng...

Những con số “biết nói” trên đây đòi hỏi chúng ta phải nhận thức lại về tục đốt vàng mã đang tồn tại vô lý trong cộng đồng. Xuất phát điểm từ một hành vi mang ý nghĩa nhân văn nhằm tưởng nhớ những người đã mất tục đốt rải vàng mã qua năm tháng đã biến tướng thành một trào lưu mê tín dị đoan “trần sao âm vậy”.

Tục đốt vàng mã không thuộc về các nghi lễ Phật giáo, không đem lại lợi ích thiết thực gì cho xã hội. Đốt tiền, vàng, siêu xe, biệt thự, du thuyền, iPhone, hầu thiếp… để người đã qua đời sử dụng ở cõi âm là một quan niệm sai lầm, bởi vì người mất hoàn toàn không nhận được “tài sản” do người thế gian đốt. Việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam vận động phật tử bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo tuy muộn nhưng cần thiết, góp phần giải thích, khuyến khích, vận động Phật tử từ bỏ một tập tục lạc hậu, phản khoa học, mang lại những giá trị thay đổi tích cực trong cộng đồng. Sức ảnh hưởng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong Phật tử là không nhỏ. Nếu Giáo hội phối hợp với các cấp chính quyền và hệ thống pháp luật, định hướng lại những nghi thức, tập tục, tin rằng tục đốt vàng mã sẽ giảm đi đáng kể, nhận thức của Phật tử về vấn đề này sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Thế nhưng, tục đốt vàng mã chỉ có thể bị đẩy lùi khi có sự nhập cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, đặc biệt là vai trò của UBMTTQ các cấp. Tục đốt vàng mã đã ăn sâu vào tâm thức người dân từ rất lâu nên rất khó từ bỏ trong một sớm một chiều. Chỉ có thể thường xuyên giải thích, vận động mới thay đổi theo hướng tích cực thói quen đó của người dân. Khi đã hiểu được triết lý sâu xa của tục “hóa vàng” thì người dân sẽ có cách hành xử đúng mực. Thay vì đốt vàng mã vô tội vạ vì cuồng tín, ganh đua, người dân sẽ “tâm thành lễ bạc”, đốt một nén nhang thơm để tưởng nhớ các bậc tiền nhân hoặc người đã khuất.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

 

.
.
.