"Em vẫn muốn đi Đà Lạt lần nữa!"
Ai cũng kêu Đà Lạt quá tải trong mùa đón khách du xuân năm nay. Nhưng rồi mọi người vẫn cứ đang vượt đèo dốc lên với Đà Lạt trong những ngày cuối tuần của những ngày xuân sót lại.
Mà kêu là đúng. Vì đặt khách sạn, nhà nghỉ thời điểm này rất khó. Vì kẹt xe hàng giờ đồng hồ ở khu vực quanh chợ và hồ Xuân Hương. Vì hàng quán không còn chỗ đỗ xe, kín bàn, và ngồi chờ món ăn rất lâu. Vì các cửa hàng bán đồ len phải xếp hàng khá lâu mới đến lượt được ra hóa đơn tính tiền.
Nhưng vì sao người kêu vẫn kêu, người đến vẫn đến; thậm chí đến rồi, kêu rồi, vẫn muốn quay lại?
Một người bạn tôi chụp lại rất nhiều bức ảnh cho thấy lực lượng cảnh sát giao thông túc trực ngày đêm ở các tuyến đường trung tâm thành phố để điều tiết giao thông. Lưu lượng xe khá đông, ô tô du lịch từ 5 đến 50 chỗ ngồi có đủ. Nhưng nhờ sự phân luồng tích cực của các anh, lượng xe được giải tỏa ráo riết, khách nhanh chóng đến được điểm cần đến.
Hàng quán khách chật như nêm, món ăn vẫn nóng sốt và đặc biệt là giá cả không biến động. Chị chủ quán mì Quảng ở đường Bùi Thị Xuân nói, “mối bỏ thịt rau vẫn bán giá như mọi ngày thì mắc chi tui lên giá. Mà lên vài đồng đáng chi mà lấy cho khách người ta buồn”. Nên khách ngồi chật một chút vẫn vui khi sợi mì vẫn nóng hổi, nước lèo vẫn đậm đà, và khách vẫn chỉ trả 20 ngàn đồng/tô như ngày thường. Các món ăn vặt như bánh tráng nướng Dì Đinh (ngã 3 Hoàng Diệu – Trần Nhật Duật), sữa chua phô mai - matcha - trứng lòng đào (hẻm bên hông VIB Bank Nam Kỳ Khởi Nghĩa), kem bơ Thanh Thảo (76, Nguyễn Văn Trỗi) chuyên nghiệp cả phục vụ tại chỗ và luôn sẵn có các hộp cho khách mang đi…
Mặc dù người xứ nóng vì thèm cái lạnh mà lên Đà Lạt, nên dù biết ít khi nào mặc áo hoặc đội được mũ len, nhưng các mẫu áo, họa tiết trên nón, trên túi xách đẹp lung linh đã làm con tim khách tan chảy và đôi chân thì càng thêm cứng cáp để chọn, đợi gói, đợi thanh toán tiền mua áo, vớ, mũ, túi xách len đan tay một cách hào hứng.
Tham khảo nhiều khách qua nhiều câu chuyện, mới thấy là ai nấy đều tự tìm cho mình một cách để yêu Đà Lạt. Thay vì đến Vườn hoa trung tâm thành phố quá quen thuộc, mọi người quay sang tham quan các trang trại trồng hoa, các trung tâm công nghệ cao sản xuất các sản phẩm từ hoa (tranh, đồng hồ, rèm hoa tươi), trang trại bò sữa tiêu chuẩn organic châu Âu - Vinamilk Organic Milk Farm… để tìm cảnh mới, cảm xúc mới và kể cả kiến thức mới về chăn nuôi, trồng trọt, quy trình thu hoạch, xử lý sữa, hoa tươi theo công nghệ mới… Những ai đã quá quen thuộc với Hồ Xuân Hương, Đồi Cù, Nhà thờ Domaine De Marie, Langbiang thì chuyển sang tham quan Đường hầm đất sét, Hầm rượu vang bên Hồ Đa Thiện, Cánh đồng hoa Lavender, Đồi chè - Trại Mát, Làng Cù Lần, Ma rừng Lữ quán bạt ngàn sắc hoa tím…
Đà Lạt đã chinh phục khách khắp nơi bằng thế mạnh địa hình núi non xanh biếc, hoa cỏ rực màu và thời tiết se lạnh trời cho của vùng đất này. Nhưng hơn thế nữa, con người của Đà Lạt đã giữ chân khách bằng sự thân thiện, mến khách, làm ăn uy tín Đà Lạt ngày càng nhiều khu vui chơi, nhiều điểm đến gắn với thế mạnh trồng trọt, chế biến, sản xuất thủ công các sản phẩm được nuôi trồng từ chính mảnh đất này. Chính quyền thành phố Đà Lạt cũng mở rộng kênh quảng bá hình ảnh, thương hiệu; chủ động các phương án xử lý tình huống vào các đợt cao điểm đón khách, gợi ý các giải pháp và hỗ trợ người dân thực hiện việc nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và khéo léo đưa thế mạnh sản xuất, nuôi trồng của vùng đất này trở thành một trong những sản phẩm du lịch mang tính chất vùng miền để thu hút khách.
“Em vẫn muốn đi Đà Lạt lần nữa!”, một hướng dẫn viên lặp đi lặp lại câu nói của cô bé lớp 10 trường THPT Vũng Tàu sau chuyến đi Đà Lạt trong dịp Tết vừa qua. Nhưng cô ấy lại bỏ nhỏ với tôi: “Em thì ước chi có nhiều cô bé nói muốn đi Vũng Tàu lần nữa. Vì chúng ta cũng đang có rất nhiều cơ hội để khách phải thốt lên niềm mong muốn đó”. Giữa cơ hội và thực tế vẫn luôn có một khoảng cách nhất định. Nhưng tôi tin rằng, sự kết nối đ ể kéo gần mọi thứ lại với nhau không khó, khi ta biết chiêm nghiệm, tích lũy và hành động.
GIA AN