.

Phụ nữ luôn xứng đáng được tôn vinh...

Cập nhật: 18:30, 07/03/2018 (GMT+7)

Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 được coi là quá quen thuộc với đại chúng. Vậy nhưng, ít ai biết rằng, ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 lại có khởi điểm là một cuộc tuần hành biểu tình của công nhân dệt may chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn tại New York (Mỹ) từ cuối thế kỷ 19.

Tuy nhiên, phải đến tận năm 1911, ngày Quốc tế phụ nữ đầu tiên mới được kỷ niệm, nhưng chỉ tại 4 quốc gia: Áo, Đan Mạch, Đức và Thụy Sỹ. Liên Hiệp Quốc cũng không công nhận đó là ngày lễ quốc tế cho tới năm 1975 và 2 năm sau đó, 1977 Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết các nước thành viên kỷ niệm ngày 8-3 như là ngày vì quyền bình đẳng, sự tiến bộ của phụ nữ và hòa bình thế giới.

Vậy nhưng, ở nước ta, ngay trong năm 1945, Bác Hồ đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền bầu cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và người trí óc không bình thường”. Trong ngày bầu cử Quốc hội lần đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (6-1-1946), phụ nữ Việt Nam đã đi bỏ phiếu bầu cùng nam giới. Trong Hiến pháp của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa năm 1946 cũng công bố với thế giới “Phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân”.

Ở Việt Nam, ngày 8-3 cũng là ngày kỷ niệm cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, hai vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại chủ quyền dân tộc. Đảng và Nhà nước ta ngay từ những ngày đầu còn rất non trẻ đã công nhận quyền bình đẳng của phụ nữ. Nhất là đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi đối với Người: “Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ”. Trong bài nói chuyện tại Đại hội liên hoan phụ nữ “Năm tốt” diễn ra ngày 30-4-1964, Bác khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ ta đã góp phần khá lớn làm cho cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi vẻ vang. Trong hàng ngũ vẻ vang những anh hùng quân đội, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ. Phụ nữ ta tham gia ngày càng đông và càng đắc lực trong các ngành kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội”.

Công bằng mà nói, phụ nữ vì thiên chức của mình mà phải chịu nhiều thiệt thòi hơn nam giới. Phụ nữ luôn được coi là “phái yếu” do cấu tạo sinh học, nhưng không vì thế mà mất quyền bình đẳng trong gia đình hay ngoài xã hội. Bởi là “phái yếu” nhưng vẫn gánh vác trọng trách như nam giới trong mọi khía cạnh của đời sống nên phụ nữ càng đáng được tôn vinh! Dù rằng, ở đâu đó, ở một số người vẫn còn sự phân biệt đối xử, vẫn còn tâm lý “trọng nam, khinh nữ” do chưa thoát ra khỏi quan niệm “cổ hủ” từ thời phong kiến. Chính vì muốn xóa bỏ quan niệm “cổ hủ” đó, mà Bác Hồ, vị lãnh tụ của Đảng ta không chỉ khẳng định vai trò, vị trí của người phụ nữ trong các phong trào cách mạng cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước, Người còn quan tâm sâu sắc đến phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng nam nữ. Ngày 9-3-1961, khi nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, Bác căn dặn: “Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà…”. Nhưng Bác cũng nhắc nhở: “Phụ nữ ta còn có một số nhược điểm như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình; mặt khác, phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn về gia đình, con cái. Muốn giải quyết khó khăn không nên ỷ lại vào Đảng, Chính phủ mà phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng mình, nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết giúp đỡ nhau để giải quyết mọi khó khăn của phụ nữ trong công tác chính quyền”. Người còn nói: “Phụ nữ ta cần phải cố gắng nhiều để theo kịp chị em các nước bạn, góp phần nhiều hơn nữa trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Làm theo lời Bác dạy, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ, thông qua các chủ trương, chính sách về phụ nữ, về bình đẳng giới nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong đó có Luật Bình đẳng giới và các văn bản khác liên quan. Công tác phụ nữ đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Phụ nữ Việt Nam đang ngày càng nỗ lực để hội nhập toàn cầu, tiếp tục phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ mới, xứng đáng với tám chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng.

THẢO LINH

 

 

.
.
.