Ngăn ngừa biến tướng lễ hội
Trong số 8.000 lễ hội truyền thống ở nước ta, số lễ hội đầu xuân chiếm khoảng 2.000 và hầu hết đều là những lễ hội mang đậm nét văn hóa dân gian, ẩn chứa nhiều giá trị nhân văn. Đáng tiếc, do hiểu không đúng bản chất của văn hóa tâm linh, biểu tượng văn hóa gốc nên nhiều lễ hội đã bị trần tục hóa hoặc bị biến tướng. Một số địa phương còn tùy tiện cấp phép, nâng cấp, tăng tần suất, mở rộng quy mô tổ chức lễ hội, phục dựng lễ hội truyền thống không đúng, làm sai lệch các nghi thức truyền thống. Ở đó, người ta tái hiện những tập tục lạc hậu, không phù hợp, gây phản cảm như: chém lợn, đập đầu trâu; phô diễn, trình diễn “biểu tượng”, “linh vật khí” một cách thái quá, dung tục; Nạn mê tín dị đoan, rải tiền lẻ, nhét tiền vào lư hương, tượng Phật, chen lấn xô đẩy, cướp lộc, cướp ấn, xả rác, bẻ cây, ăn mặc lố lăng, cờ bạc… là hình ảnh dễ bắt gặp trong nhiều lễ hội. Việc cúng bái, bói toán, cầu hồn, giải mộng… cũng phát triển mạnh mẽ bên lề các lễ hội. Một số người còn lợi dụng, làm mất đi giá trị văn hóa của lễ hội. PGS-TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), đã gọi hành vi trục lợi đó là “tham nhũng tâm linh”. Và vì lợi lộc, người ta sẵn sàng thêm thắt, đẻ ra nhiều “nghi lễ” kỳ dị, phản cảm, làm méo mó ý nghĩa của lễ hội.
Ngăn chặn, chấn chỉnh sự biến tướng của lễ hội là điều không đơn giản bởi nó đã ăn sâu trong ý thức của những người tổ chức lễ hội, những người tham gia lễ hội. Nhưng khó mấy cũng phải làm và điều cần làm trước tiên là tăng cường lực lượng quản lý và tổ chức lễ hội. Đứng ra tổ chức lễ hội phải là những người am hiểu sâu sắc về văn hóa của địa phương, am hiểu về lễ hội, biết cách nâng cao những giá trị truyền thống, không tuỳ tiện “vẽ trò cho vui, vẽ trò cho sinh lợi”, kích thích xu hướng giành giật cầu khẩn một cách mê tín. Mặt khác, định hướng cho người dân nhận thức đúng đắn về lễ hội theo hướng chú trọng phần lễ, đề cao tính thiêng của lễ hội, gìn giữ, bảo tồn những nét đẹp trong tín ngưỡng cần được, ngăn chặn, đẩy lùi nạn mê tín dị đoan, không biến tín ngưỡng thành phong trào cầu xin, đánh mất giá trị văn hóa của lễ hội. Đặc biệt, phải truyền thông để các thành viên của cộng đồng hiểu được thần tích, không gian văn hóa và giá trị riêng của lễ hội để từ đó điều chỉnh hành vi và có ứng xử văn hóa khi tham gia lễ hội. Tất nhiên, cơ quan chức năng cần phải tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, thu lợi bất chính và các biểu hiện không lành mạnh khác trong dịp lễ hội.
Triển khai quyết liệt những giải pháp trên đây, hy vọng mùa lễ hội năm 2018 sẽ diễn ra lành mạnh, an toàn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng và du khách.
NGUYỄN TRIỆU HẢI