Tự hào với truyền thống vẻ vang của Đảng
Mùa Xuân năm 1930, tại Hương Cảng, Trung Quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn để thành lập một đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ra đời đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử phát triển của dân tộc ta.
88 năm là khoảng thời gian không dài so với hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, nhưng cũng đủ để khẳng định Đảng giữ vai trò, vị trí duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam mà không một lực lượng nào có thể thay thế. Trong đấu tranh đầy gian khổ, ác liệt, hy sinh đã tôi luyện Đảng trưởng thành và nâng Đảng lên tầm “vĩ đại như biển rộng, như trời cao”, hun đúc nên bề dày truyền thống vẻ vang của Đảng như “một pho lịch sử bằng vàng”.
Thực tiễn cho thấy, ở những bước ngoặt của lịch sử, mỗi khi cách mạng đứng trước những thử thách khó khăn, gay go nhất thì Đảng càng thể hiện được bản lĩnh vững vàng, trí tuệ thông minh và hành động kiên quyết, sáng suốt nhất. Để Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thắng lợi, Đảng phải trải qua 15 năm chuẩn bị: Tập hợp, giáo dục hàng triệu quần chúng theo Đảng; tổ chức những cao trào cách mạng rầm rộ, rộng khắp để nhân dân tập dợt đấu tranh. Khi thời cơ cách mạng đến, Đảng biết nắm bắt và tận dụng tối đa để làm nên điều kỳ diệu cho dân tộc. Bước sang tuổi 15, với 5 ngàn đảng viên, Đảng đã cùng với toàn dân ghi dấu ấn đầu tiên vào lịch sử: Tổng khởi nghĩa thành công, xóa bỏ ách áp bức bóc lột của đế quốc, phong kiến, mở ra kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập, tự do, CNXH và thời đại mới: Thời đại Hồ Chí Minh. Ngay sau nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, lợi dụng Hiệp ước Potsdam, quân đồng minh tràn vào Việt Nam để giải giáp quân Nhật, nhưng thực chất là thực hiện âm mưu xảo quyệt: tiêu diệt Đảng ta, bóp chết chính quyền cách mạng. Đất nước lại đứng trước khó khăn chồng chất: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm hoành hành. Trước vận mệnh như “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biết dựa vào nhân dân, khơi dậy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; biết đề ra những “sách lược” mềm dẻo nhưng kiên định về lập trường nguyên tắc để đối phó với thử thách hiểm nghèo của lịch sử. Thành quả cách mạng được giữ vững trong thời kỳ 1945-1946 là dấu ấn thứ hai và cho Đảng bài học quý giá: Phải tin dân, quan tâm chăm lo đến đời sống nhân dân, biết dựa vào dân để bảo vệ thành quả cách mạng. Lịch sử khắc nghiệt tiếp tục thử thách chúng ta, cả dân tộc lại bước vào 2 cuộc kháng chiến chống kẻ thù mạnh hơn ta nhiều lần về kinh tế và quân sự. Nhưng lịch sử cũng lại chứng minh bản chất cách mạng, khoa học; hành động kiên cường, quyết liệt tuyệt vời của Đảng cũng như tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của cả dân tộc anh hùng! Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, dân tộc ta đã viết nên bản hùng ca bất hủ, hào hùng nhất trong thế kỷ XX: Làm nên trận Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” và Chiến dịch mùa Xuân năm 1975 đại thắng là đỉnh cao của tinh thần chống giặc ngoại xâm trong lịch sử của dân tộc. Đó là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, ý chí sắt đá “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, kiên quyết không chịu cúi đầu làm kiếp nô lệ. Sau năm 1954, đất nước tạm thời bị chia làm 2 miền, với 2 chế độ chính trị - xã hội khác nhau - bối cảnh lịch sử đặc biệt mà ngay cả lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng chưa lường tới. Đất nước đứng trước ngã ba đường và câu hỏi lớn mà Đảng phải có trách nhiệm trả lời trước vận mệnh dân tộc: Cách mạng cả nước cũng như cách mạng mỗi miền sẽ đi về đâu, đi như thế nào trong hoàn cảnh đó? Vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể, Đảng lựa chọn một lối đi đầy bất ngờ, chưa từng có tiền lệ của thế giới: Miền Bắc trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải đi lên CNXH và kiên quyết đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Thế giới thán phục và kho tàng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin được Đảng ta bổ sung làm phong phú thêm: Ở một nước cũng có thể vừa xây dựng CNXH vừa tiến hành chiến tranh và đi đến thành công. Sau năm 1975, hậu quả hơn 30 năm chiến tranh để lại quá nặng nề; các thế lực thù địch điên cuồng chống phá; chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Nam nổ ra; đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng về kinh tế, xã hội. Trong khó khăn chồng chất, Đảng lại thể hiện đầy đủ nhất bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm và uy tín để chèo lái con thuyền cách mạng tiếp tục đi lên. Bằng việc bám sát thực tiễn, lắng nghe ý nguyện của nhân dân để điềm tĩnh tổng kết thực tiễn và đến Đại hội VI, năm 1986 Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Dưới ánh sáng đổi mới của Đảng, cách mạng nước ta tiến một bước dài và vươn lên đỉnh cao mới: Vượt qua thế bị bao vây, cô lập, vị thế trên trường quốc tế ngày một nâng cao; từ khủng hoảng, đói nghèo, lạc hậu trở thành nước có mức thu nhập trung bình của thế giới; bộ mặt xã hội ngày càng đổi thay, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Đó là dấu ấn của bước trưởng thành vượt bậc của một Đảng cầm quyền không chỉ nhân dân ta thừa nhận mà bạn bè quốc tế ngợi ca, khâm phục.
Chiều dài lịch sử 88 năm, dù có lúc phạm phải sai lầm, khuyết điểm, nhưng với sự khiêm tốn, cầu thị Đảng luôn được đổi mới, chỉnh đốn, đủ sức đưa con thuyền cách mạng vượt bao chông gai, ghềnh thác, vượt qua bao bước ngoặt sống còn và làm nên những kỳ tích mang tầm thời đại. Đất nước đang bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng với thế giới, vận hội mới và những thử thách mới đang chờ đợi ở phía trước. Chúng ta có quyền tự hào với truyền thống vẻ vang của Đảng, tin tưởng và kỳ vọng Đảng sẽ đồng hành cùng dân tộc, tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ để viết nên những bước ngoặt, mốc son mới: sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
NGUYỄN QUANG PHI