.

Chú trọng dinh dưỡng hợp lý

Cập nhật: 18:39, 07/02/2018 (GMT+7)

Theo đánh giá của Chính phủ, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về cải thiện tình trạng dinh dưỡng, bữa ăn của người dân được bảo đảm hơn về số lượng và chất lượng, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm đáng kể. Tuy vậy, nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về dinh dưỡng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi còn ở mức cao, chiếm tới 24,6% dân số; tỷ lệ thừa cân - béo phì đang có xu hướng gia tăng nhanh, nhất là ở khu vực thành thị; tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được cải thiện; chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, ăn mặn, ăn ít rau và trái cây, thiếu vận động thể lực làm gia tăng nguy cơ bệnh tật. Tầm vóc của người Việt Nam chậm cải thiện và thấp hơn so với trung bình của nhiều nước trong khu vực. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ em, học sinh, người lao động, người bệnh, người cao tuổi chưa được các cấp, các ngành quan tâm đầy đủ.

Trước thực trạng trên, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, với mục tiêu: Nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Phấn đấu đến năm 2030, tuổi thọ trung bình của người dân khoảng 75 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 68 năm; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 15%, khống chế tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới 10%; chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 168,5cm, nữ 157,5cm…

Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nhằm tổ chức triển khai thực hiện đạt các mục tiêu của Nghị quyết số 20-NQ/TW, các ngành chức năng liên quan cần xây dựng khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng hợp lý, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm tuổi, nhóm đối tượng đặc thù; tập trung giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng, thừa cân béo phì, dinh dưỡng để dự phòng và hỗ trợ điều trị bệnh. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về dinh dưỡng hợp lý và vận động thể lực phù hợp với từng độ tuổi, nhóm đối tượng. Chú trọng chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em sơ sinh, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý đối với học sinh mẫu giáo, tiểu học trong bữa ăn học đường và dinh dưỡng trong bữa ăn gia đình. Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình để giáo dục, hướng dẫn về dinh dưỡng và vận động thể lực phù hợp cho trẻ em, học sinh, đặc biệt là cho nhóm tuổi tiền dậy thì và dậy thì.

Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch và các chương trình bảo vệ sức khỏe; tăng cường đầu tư nhân lực, kinh phí để giải quyết các vấn đề suy dinh dưỡng cho người dân; đưa các chỉ tiêu về dinh dưỡng vào chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; tăng cường xã hội hóa huy động nguồn lực và phối hợp liên ngành nhằm thông tin, tuyên truyền, vận động người dân áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý và tích cực thực hiện các mục tiêu về dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe theo Nghị quyết số 20-NQ/TW.

 NHỰT THANH

 

.
.
.