Cảnh giác với hàng giả, hàng nhái dịp Tết
Còn đúng 10 ngày nữa đất trời nước Việt sẽ sang Xuân, cả nước hân hoan trong niềm vui đón Tết cổ truyền của dân tộc - Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Đây cũng là khoảng thời gian cao điểm mà mọi người, mọi nhà tất bật, chộn rộn với việc mua sắm.
Diễn biến của thị trường những ngày giáp Tết lại càng trở nên nóng và có chiều hướng gia tăng đột biến, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, hơn từ 30-50% so với ngày thường. Đồng thời, khi mãi lực hàng hóa gia tăng thì tệ nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… có dịp xâm nhập, trà trộn và tràn ra thị trường. Hàng giả, hàng nhái xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều loại sản phẩm, nhất là các thương hiệu lớn, được khách hàng tin dùng; từ các mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng, rượu và đồ uống có cồn, đến hàng thời trang, mỹ phẩm… với đầy đủ chủng loại, giá rất mềm, được bày bán một cách công khai. Theo đó, với các chủng loại hàng nhãn hiệu nước ngoài, được núp dưới mác “hàng xách tay”, nhưng khi truy nguồn gốc, thì không tìm được nơi xuất xứ; Với các nhãn hàng nội địa, không ít sản phẩm nhái các thương hiệu lớn, hoặc hàng giả được gia công và đóng gói trong những bao bì y như thật. Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, trong khoảng thời gian hơn 1 tháng, lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn cả nước đã tiến hành kiểm tra 3.012 vụ, phát hiện và xử lý 1.710 vụ vi phạm, với số tiền phạt lên tới 9,36 tỷ đồng.
Thủ đoạn và hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi và có nhiều diễn biến phức tạp. Hàng giả, hàng nhái của các thương hiệu lớn, giá thành cao, tập trung tiêu thụ tại các trung tâm thương mại, các siêu thị, các chợ đầu mối… ở các thành phố, thị xã, trung tâm kinh tế lớn. Với các mặt hàng có kỹ thuật sản xuất đơn giản, giá thành thấp, chủ yếu tiêu thụ tại các khu vực nông thôn, nơi trình độ dân trí cũng như điều kiện kinh tế của người dân còn hạn chế. Để trà trộn và tuồn hàng giả, hàng nhái trong dịp cận Tết, các đối tượng nhập hàng từ nước ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan…) hoặc lợi dụng chính cửa hàng của mình làm đại lý để đưa hàng giả, hàng nhái lẫn lộn với hàng chính hãng, đánh lừa người tiêu dùng. Đặc biệt, với hình thức giao dịch thông qua hệ thống thương mại điện tử khá thông dụng hiện nay, đã và đang manh nha nhiều thủ đoạn mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cung ứng cho người tiêu dùng. Đã có khá nhiều trường hợp phải chịu cảnh “tiền mất, hàng mang”, vì khi nhìn trên màn hình thì “hàng đẹp lung linh”, “Mẫu mã bắt mắt”… nhưng khi mục sở thị thì mới “té ngữa” vì thật ra là hàng giả, hàng quá đát.
Nhằm đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng trong dịp Tết đạt hiệu quả cao, đòi hỏi lực lượng quản lý thị trường chủ động nắm bắt diễn biến tại các trung tâm mua sắm, các chợ đầu mối và thực hiện có hiệu quả công tác quản lý địa bàn. Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, triệt để chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại khác. Dịp cận Tết, cần khẩn trương triển khai thực hiện việc lấy mẫu thử nhanh tại chỗ đối với các loại hàng hóa thực phẩm, nên tiến hành công bố ngay kết quả ban đầu và xử lý kịp thời các sai phạm để người dân biết và lựa chọn. Đồng thời, mỗi người dân khi mua sắm hàng Tết phải thực sự là “người tiêu dùng thông thái”, chủ động trang bị kiến thức trong việc lựa chọn hàng hóa, địa điểm bán hàng uy tín, chất lượng; lựa chọn sản phẩm có tem nhãn, địa chỉ cụ thể, rõ ràng. Mặt khác, cần nâng cao ý thức đấu tranh phòng chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng; dũng cảm tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm pháp luật, gian lận thương mại; góp phần xây dựng thị trường lành mạnh, an toàn vệ sinh thực phẩm trong những ngày trước, trong và sau Tết cổ truyền của dân tộc.
HOÀNG LÊ