Đường về
Hàng chục triệu người Việt Nam khắp cả nước đang làm một cuộc di chuyển khổng lồ. Người vào Nam ra Bắc; kẻ đi ngược về xuôi; nhưng sự thực tất cả chỉ chung một con đường, đó là đường “về quê ăn Tết” - Tết Mậu Tuất 2018.
Tết Nguyên đán là Tết có ý nghĩa lớn nhất của người Việt. Mọi người đều muốn trở về nơi mình đã sinh ra, đã sống thời thơ bé, ở đó nay vẫn còn mái nhà của cha mẹ, những người thân, mồ mả và nơi thờ tự tổ tiên. “Sum họp ngày Tết” là trở lại sống với người đó, cảnh vật đó để cảm nhận sự đầm ấm, hạnh phúc, sự che chở, động viên của gia đình, để tiếp thêm năng lượng sống. Mọi người chia sẻ với nhau những thành công và thất bại, nhắc nhở những điều có ý nghĩa đã diễn ra và hướng tới những ước vọng trong năm mới. Trẻ con được sắm quần áo mới, người già được mừng thọ. Mọi người sửa sang nhà cửa, sắm quà biếu ông bà, cha mẹ, họ hàng, tổ chức những bữa ăn vui vẻ đậm hương vị quê nhà. Ngày Tết, hàng xóm gặp nhau cũng chỉ nói lời tốt đẹp. Có chuyện không vừa lòng cũng bỏ qua cho nhau. Nợ nần gắng trả hết. Buồn phiền tạm gác một bên, v.v… Người Việt tin nếu làm được những việc tốt trong ngày Tết thì bản thân, gia đình và xóm giềng sẽ có một năm mới tốt lành… “Về quê ăn Tết” là để hiểu những giá trị cốt lõi ấy của Tết.
…Bữa trước gặp nhau, bạn hỏi có về quê ăn Tết không, Tết có đi du lịch ở đâu không. Những cái này dễ, trả lời được ngay, vì là chuyện cá nhân. Nhưng, chuyện có ủng hộ hay không ý kiến đề xuất ăn “Tết ta” chung với “Tết Tây”, đã nêu ra từ hàng chục năm nay và vẫn được nhắc lại trên diễn đàn mạng mỗi dịp Tết về, thì vấn đề không đơn giản.
Quả là ai cũng thấy cách ăn Tết của người Việt bây giờ đã thay đổi nhiều. Có những tập tục cổ truyền mang nhiều ý nghĩa lớn của Tết xưa, nay không còn phổ biến nữa. Ví dụ, nhiều người mua chứ không gói và nấu bánh chưng, bánh tét. Mâm cơm cúng gia tiên ngày 30 Tết cũng có thể chẳng tự tay làm, mà mua trên chợ online. Thích “chơi Tết” hơn “ăn Tết”, nên nhiều nhà Tết đến là vợ chồng con cái đưa nhau đi du lịch, và cảnh những gia đình lớn, nhiều thế hệ quây quần bên nhau ăn Tết ít dần. Đời sống nâng cao, nhu cầu ăn ngon mặc đẹp đã có thể quanh năm được đáp ứng, chứ không cần chờ đến Tết là dịp duy nhất như trước đây. Sự phổ biến của công nghệ khiến mọi thành viên trong gia đình trao đổi thông tin được với nhau mọi lúc mọi nơi, v.v… Những điều đó làm cho nỗi khát khao về cái Tết cổ truyền có giảm đi.
Có người còn nói, trong thời hiện đại, cái Tết “âm lịch” của ta rất lạc lõng với nhịp sống, nhịp làm ăn của thế giới; mỗi lần nghỉ Tết là một lần nước ta lỗi nhịp với sinh hoạt của thế giới phát triển; vì vậy chúng ta cũng mãi “âm lịch” như Tết!
Nhưng, sự vật nào cũng biến đổi theo thời gian, kể cả phong tục Tết; nên những thay đổi nói trên trong cách ăn Tết của nhân dân ta cũng là lẽ tự nhiên, không có gì phải hoảng sợ. Chúng không làm mất đi giá trị cốt lõi của Tết, đó là tinh thần hướng về sự đoàn viên, củng cố sự bền vững của gia đình. Có đi du lịch trong Tết thì cũng là đi với gia đình. Hàng chục triệu người mỗi năm vẫn làm cuộc di chuyển khổng lồ kia họ đi về đâu, nếu không phải là về gia đình để ăn Tết?
Có ý kiến của một nhà nghiên cứu nói, căn cứ vào những Công ước quốc tế mà nước ta tham gia, căn cứ Hiến pháp 2013, căn cứ Luật Di sản văn hóa, thì Tết Nguyên đán là di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Việt được pháp luật quy định phải bảo tồn. Tương tự như thế, là Tết cổ truyền của đồng bào Chăm, Khmer hay của các dân tộc anh em khác trên đất nước Việt Nam. Đó là ý kiến có cơ sở chắc chắn về pháp lý. Cho nên, khi cách ăn Tết cổ truyền đang thay đổi để phù hợp với đời sống hiện đại đã có nhiều thay đổi, Tết vẫn là sinh hoạt văn hóa làm lay động tâm linh, tình cảm các thế hệ người Việt; hơn nữa trong khi cả thế giới kêu gọi tôn trọng và bảo vệ sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc, thì việc bàn chuyện nhập “Tết ta” vào chung với “Tết Tây” nghe không có lý, có lẽ chút nào!
HẢI THANH