Quản lý "phố Tây"
So với các địa phương trong nước, Vũng Tàu chưa thực sự có một “phố Tây” riêng, nhưng một số tuyến đường tập trung nhiều khách nước ngoài cũng có những sắc thái riêng và hoạt động khá nhộn nhịp.
Bên cạnh những du khách đến Vũng Tàu nghỉ ngơi, thăm thú một đôi ngày rồi đi, một số người nước ngoài do yêu mến cảnh sắc và con người ở thành phố biển hoặc vì nhu cầu công việc, đã lưu lại vùng đất này để sinh sống. Người ở lại vài ba tháng nhưng cũng có người gắn kết nhiều năm. Các tuyến đường có đông người nước ngoài sinh sống, lui tới tại TP.Vũng Tàu như: Nguyễn Trãi, Hoàng Hoa Thám, Hạ Long, Phan Bội Châu, Lạc Long Quân… Trong đó, tập trung và đông vui hơn cả là ở đường Phan Chu Trinh. Tuyến đường này mọc lên nhiều dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, quán bar, siêu thị mi ni, giặt ủi, massage, cho thuê xe… phục vụ khách Tây, hoạt động khá nhộn nhịp và đắt khách. Những hoạt động này đã thu hút được nhiều khách đến lưu trú, một bộ phận người dân nhờ đó có việc làm và thu nhập.
Sức hấp dẫn của các “phố Tây” không chỉ ở nhiều món ăn ngon, giá cả các dịch vụ phải chăng mà còn ở không gian thân thiện, những trải nghiệm đường phố thú vị cho du khách - những người đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Phố Tây xuất hiện tại nhiều thành phố trong nước, thu hút nhiều khách “Tây ba lô” đến nghỉ dưỡng, vui chơi để từ đây tỏa đi tham quan, khám phá những điểm du lịch hấp dẫn ở các vùng miền. Hầu hết du khách ở các khu “phố Tây” thuộc dạng bình dân, nên mọi người quen gọi là phố “Tây ba lô”. Hồn cốt làm nên sức hấp dẫn của các khu phố Tây chính là cư dân đối đãi với nhau bằng nụ cười thân thiện, không phân biệt giàu nghèo, quốc tịch, màu da.
Nhưng “phố Tây” cũng có những mặt trái, góc khuất đáng lo ngại, để lại không ít hệ luỵ, phiền phức cho người dân và chính quyền sở tại. Hình ảnh thường thấy ở các “phố Tây” là cảnh những người nước ngoài ăn nhậu say xỉn rồi cãi vã, đánh nhau; những vụ gây rối trật tự công cộng, các hoạt động mua-bán dâm, sử dụng ma túy cũng diễn biến phức tạp tại các khu phố Tây. Nhiều người nước ngoài quá hạn visa vẫn không chịu về nước, buộc cơ quan chức năng phải trục xuất. Không loại trừ trường hợp người phạm tội ở nước ngoài qua Việt Nam giả dạng khách du lịch ẩn náu trong các khu phố Tây.
Thực trạng đó đặt ra vấn đề quản lý các phố Tây một cách chuyên nghiệp hơn theo hướng tăng cường quản lý an ninh trật tự, vệ sinh môi trường nhưng không quên xây dựng một “cơ chế riêng” cho nó, thể hiện qua việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo khu vực giải trí, giao lưu, khám phá ẩm thực và các chương trình nghệ thuật đường phố về đêm phục vụ du khách.
Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng nên ưu tiên bố trí các cán bộ thực thi công vụ có kỹ năng giao tiếp, biết ngoại ngữ để có thể làm việc trực tiếp với người nước ngoài. Nếu cán bộ chuyên môn có kiến thức cơ bản về phong tục tập quán, văn hóa một số nước có lượng du khách đông thì càng tốt. Và một yêu cầu không thể thiếu là cán bộ thực thi công vụ phải ứng xử chuẩn mực, niềm nở, nhiệt tình khi làm việc với cư dân “phố Tây”. Đó cũng là cách để hoạt động ở các khu “phố Tây” đi vào trật tự, nền nếp, trở nên hấp dẫn hơn trong mắt du khách.
NGUYỄN TRIỆU HẢI