Tinh gọn bộ máy phải bắt đầu từ cán bộ, đảng viên
Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 6 (khóa XII) của Đảng đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, vừa mang tầm chiến lược, cơ bản lâu dài, vừa có tính cấp bách và một trong những vấn đề đó là “Một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Cho dù hệ thống chính trị ở nước ta đã góp phần vào những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Bộ máy tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn ở một số tổ chức, còn chồng chéo, trùng lắp; việc phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp chưa mạnh mẽ, hợp lý và đồng bộ... Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước khó khăn, nợ công tăng cao, năng suất lao động thấp, nhưng bộ máy tổ chức và biên chế tăng lên, đây là một thực tế không thể chấp nhận.
Hội nghị BCH Trung ương 6 (khóa XII) với quyết tâm chính trị cao đã đưa ra nhiều quyết sách mang tính đột phá, tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đổi mới, sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó; thực hiện mô hình kiêm nhiệm nhiều chức danh; sáp nhập nhiều cơ quan, đơn vị hành chính, nhiều đoàn thể chính trị - xã hội tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức…
Chủ trương đúng với thực tế, hợp với lòng dân, nhưng sắp xếp lại bộ máy thực chất là một cuộc cách mạng về tổ chức, vì vậy việc thực hiện sẽ gặp muôn vàn khó khăn bởi chắc chắn sẽ đụng chạm đến con người, đến lợi ích cá nhân. Rồi đây nhiều cán bộ cấp trưởng sẽ chuyển xuống làm cấp phó; nhiều cán bộ dôi dư do sáp nhập cơ quan, đơn vị; nhiều công chức, viên chức phải nghỉ việc với nhiều lý do khác nhau; nhiều khoản chi từ ngân sách sẽ bị cắt giảm.
Để chủ trương của Đảng trở thành hiện thực trong cuộc sống, điểm khởi đầu thuộc về trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Thấm nhuần chủ trương của Đảng cùng với quyết tâm thực hiện cao là điều cần nhưng chưa đủ, mà còn đòi hỏi ở người cán bộ, đảng viên phải biết chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân. Trong 2 cuộc chiến tranh, nhân dân ta biết nhận hy sinh về mình và hàng trăm ngàn đảng viên đã ngã xuống để dành lại độc lập, tự do, thống nhất đất nước.
Hy sinh không chỉ là trách nhiệm mà đó còn là phẩm chất cao quý và vì vậy, trong nhiệm vụ kiến thiết lại bộ máy hệ thống chính trị tiếp tục đòi hỏi ở người cán bộ, đảng viên phải biết nhận hy sinh. Nếu vẫn còn “tham quyền, cố vị”, “kèn cựa địa vị”, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cá nhân”; nếu vẫn chần chừ, do dự, suy bì, tính toán thiệt hơn trong lúc này thì chủ trương đổi mới, sắp xếp lại hệ thống chính trị của Đảng sẽ trở nên vô nghĩa.
Đổi mới, sắp xếp lại bộ máy gắn với tinh giản biên chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị là cuộc cải cách mang tính then chốt nhưng rất nhạy cảm và phức tạp. Đã đến lúc phải coi tăng biên chế, phình bộ máy là một dạng lãng phí và cần có “bàn tay sắt” xử lý, ngăn chặn quyết liệt, kịp thời; những cán bộ, đảng viên vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện phải được xử lý nghiêm minh. Nhưng suy cho cùng, yếu tố quyết định nhất vẫn lệ thuộc vào sự gương mẫu, tiên phong, hành động quyết liệt và sự dũng cảm chấp nhận hy sinh của chính người cán bộ, đảng viên.