Châu Phi có thể vỡ kế hoạch tiêm chủng cho 40% dân số

Thứ Sáu, 17/09/2021, 22:49 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 17/9, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Phi, bà Matshidiso Moeti cho biết, mục tiêu hoàn thành tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho 40% dân số châu Phi vào tháng 12 này sẽ khó thành hiện thực trong bối cảnh châu lục đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt gần 500 triệu liều vắc xin. Sự thiếu hụt này là do cơ chế phân bổ vắc xin COVAX đã cắt giảm 150 triệu liều dự kiến sẽ được giao trong năm nay.

Nhân viên y tế Maroc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân.
Nhân viên y tế Maroc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân.

Cơ chế COVAX sẽ chỉ cung cấp 470 triệu liều vắc xin cho châu Phi trong năm 2021, đủ để tiêm chủng cho 17% dân số. Bà Moeti lưu ý rằng, việc một số quốc gia sản xuất đưa ra lệnh cấm xuất khẩu và thực hiện tích trữ vắc xin đang làm chậm việc cung cấp vắc xin sang châu Phi, châu lục hiện mới có khoảng 50 triệu người, tương đương với 3,6% dân số, được tiêm chủng đầy đủ.

Kêu gọi các quốc gia sản xuất vắc xin mở cửa và hỗ trợ các nước châu Phi đang đối mặt với nguy cơ dịch bệnh cao, bà Moeti nhấn mạnh sự chậm trễ trong việc nộp đơn xin phê duyệt theo quy định đối với vắc xin mới cùng với việc không thể tăng năng lực sản xuất tại các cơ sở sản xuất của cơ chế COVAX đã hạn chế việc giao hàng đến châu Phi.

Theo bà Moeti, COVAX và các nền tảng đa phương khác đã vận động các quốc gia giàu có để làm rõ về lịch trình tài trợ vắc xin cho châu Phi, thậm chí ngay cả các nhà sản xuất cũng được khuyến khích đẩy nhanh quá trình phân phối.

Bà cho biết, khoảng 95 triệu liều vắc xin bổ sung sẽ đến châu Phi thông qua cơ chế COVAX trong tháng 9, đồng thời cũng cho biết thêm rằng việc dự trữ vắc xin nhiều hơn với thời hạn sử dụng lâu hơn sẽ thúc đẩy cuộc chiến chống đại dịch ở châu lục này. Bà Moeti cảnh báo rằng, việc tiêm chủng chậm chạp ở châu Phi có thể dẫn đến sự xuất hiện của các biến thể rất dễ lây lan.

Đến ngày 16/9, châu lục đã có hơn 8 triệu ca nhiễm COVID-19 và 204.821 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19.

HỒNG MINH

;
.