Ngày 24/8, Vùng lãnh thổ thủ đô (ACT) của Australia đã ghi nhận 30 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là một mức cao kỷ lục mới tại thủ đô Canberra bất chấp việc khu vực này đã được phong tỏa 12 ngày qua. Số ca nhiễm trên nâng tổng số ca liên quan đến ổ dịch này lên 167 ca, trong đó có 4 người đang phải điều trị trong bệnh viện.
Australia đang chuẩn bị cho việc tiêm mũi vắc xin ngừa COVID-19 tăng cường trong năm 2022. |
Thống đốc vùng ACT Andrew Barr cho biết, hiện còn quá sớm để khẳng định liệu lệnh phong tỏa có thể được gia hạn đến sau 2/9 hay không, nhưng số ca nhiễm trong cộng đồng đang rất đáng lo ngại. Phát biểu với báo giới, ông Barr nêu rõ: “Lý do chúng ta phải phong tỏa là nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm. Khi càng nhiều người dân thủ đô Canberra được tiêm phòng, cộng đồng sẽ càng được bảo vệ tốt hơn”.
Người phụ trách y tế vùng ACT, Kerryn Coleman cho biết, dù số ca nhiễm mới là một tin sốc với cộng đồng, nhưng các nhà chức trách đã tiên liệu điều này. Ông kêu gọi mọi người không nên quá lo lắng, đồng thời khẳng định: “Chúng ta đang đi đúng hướng và chỉ cần tiếp tục (áp dụng các biện pháp hiện nay) thêm một thời gian nữa”.
Tính đến sáng 24/8, bang New South Wales (NSW), bang đông dân nhất nước này với thủ phủ là Sydney, đã ghi nhận 753 ca nhiễm mới trong cộng đồng. Trong khi đó, bang Victoria đông dân thứ 2 với thủ phủ là Melbourne đã ghi nhận 50 ca nhiễm mới trong cộng đồng. Đến nay, một nửa dân số Australia sống tại các bang NSW, Victoria và vùng ACT đang phải phong tỏa.
Australia đang chuẩn bị cho việc tiêm mũi vắc xin ngừa COVID-19 tăng cường trong năm 2022. Trước đó, hôm 13/8, Bộ trưởng Y tế Greg Hunt khẳng định, nguồn dự trữ vắc xin của Australia rất dồi dào và chính phủ đã tính đến khả năng cần đến liều vắc xin tăng cường 1 năm sau khi được tiêm phòng đủ 2 mũi. Bộ trưởng Hunt cho biết, sẽ cần đến các mũi tiêm này trong vòng 12 tháng tính từ khi người dân được tiêm chủng đầy đủ.
Hiện Australia đã có những chuẩn bị rốt ráo cho kế hoạch tiêm chủng tăng cường trong năm 2022 và 2023. Chính phủ đã ký các thỏa thuận mua thêm 60 triệu liều vắc xin của hãng Pfizer/BioNTech cho năm 2022 và 25 triệu liều vào năm 2023, ngoài 15 triệu liều của hãng Moderna. Australia cũng đã đặt mua 51 triệu liều vắc xin của hãng Novavax (Mỹ) và hy vọng sẽ nhận được một phần lượng vắc xin này trong năm 2022. Cuối tuần trước, Bộ Y tế cho biết, vắc xin của Novavax có thể được sử dụng như một liều tăng cường.
Cùng ngày, Viện nghiên cứu Doherty, cơ quan cố vấn cho chính phủ trong đại dịch COVID-19 có trụ sở tại Melbourne cho ,rằng Australia cần xúc tiến các kế hoạch tái mở cửa khi đạt mức độ tiêm phòng 70-80%. Theo khuyến cáo của viện trên, chính phủ nên chuyển từ chiến lược không ca nhiễm (zero-cases) sang chiến lược hạn chế số ca tử vong và nhập viện khi ít nhất 70% dân số trên 16 tuổi được tiêm phòng đầy đủ. Thông cáo của viện trên nêu rõ: “Mức tiêm phòng này sẽ tạo điều kiện cho việc sống chung với virus giống như từng làm với các loại virus khác như virus cúm. Khi có tới 70% người được tiêm chủng, khoảng 10 hay 100 ca nhiễm/ngày trên cả nước là mức chấp nhận được”.
Hiện 30% người trưởng thành tại Australia được tiêm đủ 2 mũi vắc xin, trong khi 53% đã tiêm 1 liều. Australia ít bị ảnh hưởng của dịch hơn so với nhiều nước phát triển. Hiện nước này ghi nhận hơn 44.600 ca nhiễm và hơn 980 ca tử vong. Nhưng làn sóng lây nhiễm thứ 3 do biến thể Delta gây ra đã khiến những thành phố lớn nhất gồm Sydney và Melbourne và thủ đô Canberra phải phong tỏa nhiều tuần.
NGUYỄN MINH