Australia chật vật đối phó với biến thể Delta

Chủ Nhật, 08/08/2021, 20:55 [GMT+7]
In bài này
.

3 bang đông dân nhất của Australia gồm New South Wales, Victoria và Queensland vẫn đang chật vật đối phó với sự lây lan của biến thể Delta.

Cảnh vắng vẻ tại một tuyến phố ở Sydney (Australia) khi lệnh phong tỏa được áp dụng nhằm ngăn sự lây lan của dịch COVID-19, ngày 26/6.
Cảnh vắng vẻ tại một tuyến phố ở Sydney (Australia) khi lệnh phong tỏa được áp dụng nhằm ngăn sự lây lan của dịch COVID-19, ngày 26/6.

Trong 24 giờ qua, có thêm 282 ca mắc mới COVID-19 tại cả 3 bang. Trong số này, bang New South Wales ghi nhận số ca mắc mới nhiều nhất, 262 ca, song đã giảm so với mức 319 ca một ngày trước đó. Có 362 người đang phải điều trị ở New South Wales, trong đó có 58 người đang phải điều trị tích cực. Trong số những bệnh nhân đang phải điều trị tích cực, có 54 người chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh. Hiện chính quyền bang New South Wales đang áp đặt biện pháp phong tỏa đối với hơn 5 triệu người ở Sydney trong 6 tuần.

Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian hối thúc người dân tuân thủ các quy định và khuyến cáo phòng, chống dịch, chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết.

Cùng ngày, bang Victoria thông báo ghi nhận thêm 11 ca nhiễm mới, trong khi bang Queensland có 9 ca mới. Theo kế hoạch, thành phố lớn thứ 3 của Australia là Brisbane thuộc bang Queensland đã được dỡ bỏ phong tỏa trong ngày 8/8. Hàng triệu người dân Brisbane đã phải ở nhà trong 8 ngày qua sau khi thành phố này ghi nhận hơn 100 ca mắc tại các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, chính quyền sẽ vẫn giữ nguyên lệnh cấm rời khỏi thành phố và tụ tập trong vòng 2 tuần.

Bên cạnh đó, chính quyền bang Queensland đã ban hành lệnh phong tỏa mới, kéo dài 3 ngày, đối với thành phố Cairns, ở phía Bắc, sau khi ghi nhận 1 ca nhiễm mới chưa rõ nguồn lây.

Do biến thể Delta có tỷ lệ lây lan cao, đang hoành hành tại khu vực bờ biển miền Đông Australia, các bang ở nước này đang áp dụng biện pháp phong tỏa sớm và quyết liệt cho đến khi ít nhất 70% dân số được tiêm vắc xin ngừa COVID-19, như chính phủ liên bang khuyến cáo hồi tuần trước. Hiện mới chỉ có khoảng 20% người dân trên 16 tuổi tại Australia được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin, một phần do nguồn cung hạn chế.

Nhà chức trách hy vọng tình hình vắc xin sẽ được cải thiện trong tháng 9 tới, khi vắc xin của hãng Moderna lần đầu tiên được chuyển tới nước này, trong khi lượng vắc xin của hãng Pfizer nhập khẩu cũng tăng lên.

NGỌC HÀ

;
.