.

HẦU HẾT GHE TÀU ĐÁNH CÁ VI PHẠM AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY

Cập nhật: 09:01, 24/05/2004 (GMT+7)
Hầu hết các ghe tàu đánh bắt thủy sản ở BR-VT vi phạm an toàn giao thông đường thủy (ảnh có tính chất minh họa). Ảnh: Minh Tuấn

Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 5.461 ghe tàu đánh cá, vận tải hành khách, hàng hóa với tổng công suất hơn 48.000 CV, thu hút 31.500 lao động. Theo đánh giá của các ngành chức năng thì hầu hết số ghe tàu nói trên đều vi phạm an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Tình trạng vi phạm an toàn giao thông đường thủy nội địa ở Bà Rịa-Vũng Tàu diễn ra khá phức tạp và kéo dài trong những năm qua. Theo Nghị định 40/CP Chính phủ, thuyền viên trên phương tiện thủy phải có bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn đúng với chức danh, phù hợp với loại phương tiện do Bộ Giao thông - Vận tải qui định và phải được cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành đăng ký vào danh bạ thuyền viên. Các phương tiện phải có đầy đủ trang thiết bị an toàn như còi, cờ, đèn tín hiệu, phao cứu sinh, bình chữa cháy… Tuy nhiên, trong số 5.461 ghe tàu đánh cá thì chỉ có 2.769 thuyền trưởng có bằng và 169 máy trưởng có bằng. Còn phần lớn thuyền viên là lao động phổ thông đến từ các địa phương khác, trình độ học vấn thấp, chưa qua đào tạo nghề biển. Trong khi đó, các tiêu chí về an toàn phòng chống cháy nổ, phao cứu sinh, còi, cờ, đèn tín hiệu… thì hầu hết các ghe tàu kể trên đều vi phạm. Kể từ năm 1996 đến nay, lực lượng CSGT đường thủy tỉnh đã kiểm tra và lập biên bản 6.433 trường hợp, xử phạt 6.236 trường hợp với số tiền 1,284 tỉ đồng. Riêng trong năm 2003, Phòng CSGT đường thủy tỉnh đã tổ chức 789 lượt tuần tra, kiểm soát, phát hiện và lập biên bản xử phạt 1.053 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt gần 305 triệu đồng. Dù vậy, việc vi phạm an toàn giao thông đường thủy nội địa đâu vẫn còn đó!

Nghị định 40/CP của Chính phủ, Điều 92, mục 4 quy định: Những người điều khiển phương tiện mà không có bằng chuyên môn (bằng thuyền trưởng, máy trưởng tàu sông) phù hợp: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển phương tiện theo qui định phải có bằng hạng tư trở lên; phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người điều khiển phương tiện theo qui định phải có bằng hạng ba trở lên; phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển phương tiện theo qui định phải có bằng hạng hai trở lên; phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với người điều khiển phương tiện theo qui định phải có bằng hạng nhất.

Trên thực tế, việc đào tạo và cấp bằng hoặc chứng chỉ cho thuyền viên tàu đánh cá còn gặp nhiều khó khăn, như: Không tổ chức được các lớp học, dù hàng năm ngành thủy sản có mở các khóa đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, hành nghề biển, các lớp an toàn giao thông đường thủy nhưng số lượng học viên đăng ký học quá ít. Anh Trần Văn Châu, quê ở Phú Yên, làm tài công cho tàu đánh cá BV 58… TS vào nghề đã hơn 13 năm nay nhưng hiện vẫn không có bằng thuyền trưởng. Còn anh Trần Văn Hoài, quê ở Bình Định, có thâm niên 14 năm làm nghề máy trưởng nhưng đến nay cũng chưa có bằng máy trưởng. Cả hai đều có chung một lý do là thường xuyên đi biển nên ít có thời gian để theo học các lớp đào tạo kể trên.

Theo ông Phạm Văn Lịnh, Trưởng phòng CSGT đường thủy cho rằng, nguyên nhân vi phạm an toàn giao thông đường thủy kéo dài trong nhiều năm qua một phần là do các chủ ghe tàu chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các thuyền viên được theo học các lớp đào tạo. Do đó, bên cạnh việc buộc các chủ ghe tàu phải cam kết thực hiện đúng Nghị định 40/CP của Chính phủ về an toàn giao thông đường thủy, thì vấn đề tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành luật cũng phải được tổ chức thường xuyên đến các hộ ngư dân. Có như vậy, tình trạng vi phạm an toàn giao thông đường thủy mới được khắc phục và giảm thiểu được tai nạn gây thiệt hại về người và phương tiện.

Minh Tiến

.
.
.