.

CHUNG QUANH VỤ VIỆC 5 HỌC SINH ĐÁNH THẦY GIÁO TẠI XÃ HẮC DỊCH
Kỳ 2: ĐI TÌM SỰ THẬT

Cập nhật: 08:38, 18/05/2004 (GMT+7)
Phóng viên Báo BR-VT tiếp xúc với các nhân chứng tại quán cà phê Thiên Anh.

Cùng một lúc tiếp nhận nhiều nguồn thông tin với một số tình tiết tương đối mâu thuẫn chung quanh vụ việc thầy giáo Bùi Văn Tiền bị học sinh đánh trọng thương, chúng tôi tiếp tục làm một cuộc điều tra tại khu dân cư lân cận quán cà phê Thiên Anh. Từ những thanh niên nghèo bỏ học giữa chừng đến cô nhân viên ở quán cà phê, những cô giáo trường Mẫu giáo ấp Nông Trường, tất cả những người biết vụ việc này đều rất bất bình...

VIỆC ĐÁNH THẦY GIÁO ĐƯỢC "DÀN XẾP" TỪ TRƯỚC?

Chiều 14-5, công an viên Đoàn Bá Hùng-người phụ trách an ninh trật tự khối trường học xã Hắc Dịch-đưa chúng tôi đến quán cà phê Thiên Anh. Vừa đến nơi, chúng tôi đã được một nhóm thanh niên ấp Nông Trường vây lấy và kể về cuộc ẩu đả đêm 8-5. Theo tường thuật của nhóm thanh niên này, nơi thầy Tiền bị "quây đánh" cách cổng cà phê Thiên Anh chừng 10 m. Họ cho biết, lúc đó trời tối nhưng đường vắng, đèn ở quán cà phê toả nhẹ đủ để mọi người nhìn rõ nhau. Một thanh niên tên Dũng nói thêm: "Tụi em bỏ học dở chừng mà còn biết thầy Tiền thì làm sao học sinh của thầy lại có thể nhận diện nhầm!". Vừa lúc đó, anh Nguyễn Quang Hoàng, chủ quán cà phê Thiên Anh, từ quán đi ra đã vội quay lại mời chúng tôi vào quán. Anh cũng hết sức bức xúc về vụ việc này. Theo lời anh Hoàng, tối hôm đó, thầy Tiền đến nhà ông Quyện chơi. Khi ra về, thầy Tiền phát hiện mình để quên điện thoại di động nên quay lại lấy. Lúc quay ra thì bị quây đánh. Là bạn thân thiết nên anh Hoàng được thầy Tiền báo tin trước tiên. Nhìn thấy thầy Tiền mắt sưng húp, cằm rướm máu, anh Hoàng hỏi ngay: "Biết ai đánh không? Vì sao lại bị đánh?". Thầy Tiền trả lời: "Học sinh lớp 10. Nhưng chỉ thấy rõ mặt một người, đó là Nguyễn Đức Trung, lớp 10B2. Lớp này có mấy học sinh thường hay trốn học, cúp tiết nên tao (lời xưng hô thân mật của thầy Tiền với anh Hoàng) cảnh cáo nếu cứ còn tiếp diễn sẽ cho điểm 1". Sau đó, anh Hoàng đưa thầy Tiền đi cấp cứu, nhưng thấy vết thương của thầy Tiền khá nghiêm trọng nên bác sĩ đề nghị chuyển thầy Tiền lên Bệnh viện 175, TP. Hồ Chí Minh.

Anh Hoàng nhận định, việc các học sinh này đánh thầy Tiền là có chủ đích và được chuẩn bị từ trước. Bởi vì sau khi mọi chuyện xảy ra, anh Hoàng được hai cô P và H-giáo viên trường Mẫu giáo ấp Nông Trường (trường nằm ngay phía trước quán Thiên Anh) cho biết: Trước đó, những thanh niên này đã rượt theo thầy Tiền một đoạn khi thầy ra khỏi quán lần thứ nhất  nhưng không kịp. Khi thầy quay lại và trở ra khỏi quán lần thứ hai thì nhóm thanh niên này liền quẳng xe trước sân nhà ông Vũ Quốc Việt (đối diện với quán cà phê Thiên Anh) chặn đường đánh thầy Tiền. Đánh xong, chúng chạy ngay.

Cũng ngay tại quán cà phê Thiên Anh, chúng tôi đã tiếp xúc với nhân viên Thanh Thảo, được biết: vào tối 8-5, có 5 thanh niên, trong đó một người rất hay lui tới quán (người này được nhận diện là Trung), vào ngồi uống trà và hút thuốc rồi hỏi Thảo rằng, thầy Tiền có vào nhà ông Quyện chơi không và mấy giờ thì thầy Tiền về. Vì không biết chủ đích gây sự của 5 học sinh này với thầy Tiền nên Thảo đã cho biết thầy Tiền đang ở trong nhà ông Quyện và chắc thầy cũng sắp về. Thảo cũng khẳng định, hôm đó quán Thiên Anh thưa khách, không có khách nào say rượu, gây sự, cãi cọ. 

SỰ THẬT CÓ DỄ TÌM?

Như vậy, đã có sự sai lệch giữa những gì mà 5 học sinh đã nói với chúng tôi tại trường THPT Hắc Dịch với các nguồn tin được xác minh qua lời kể của những nhân chứng tại quán cà phê Thiên Anh. Nhưng thông tin tại quán cà phê Thiên Anh lại hoàn toàn trùng khớp với nguồn tin ban đầu mà nhóm phóng viên chúng tôi có được từ phía cơ quan công an xã. Tất nhiên, mọi việc rồi sẽ được cơ quan điều tra làm rõ. Song trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn kể thêm 2 câu chuyện nhỏ liên quan ít nhiều đến sự sai lệch này xung quanh những cuộc gặp gỡ, làm việc của phóng viên trong quá trình tiếp cận sự việc.

Nhân chứng giúp phóng viên tái hiện lại hiện trường.

Câu chuyện thứ nhất diễn ra tại phòng Hiệu trưởng trường THPT Hắc Dịch. Khi cuộc đối chất của chúng tôi với 5 học sinh đang đến hồi gay cấn thì ông Lâm Đức Phi, cán bộ quản sinh nhà trường yêu cầu chúng tôi để 5 học sinh trở về lớp học vì đã vào tiết học mới. Và Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Thọ cũng can thiệp: "Các nhà báo thông cảm lúc khác quay lại, chúng tôi không muốn làm mất quyền được học tập của các em". Nhưng khi theo chân các em học sinh "trở về lớp để học theo đúng qui định" như lời của thầy Hiệu trưởng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy hầu hết các lớp đều ngồi chơi, chuyện trò vì "đã thi xong không còn bài gì để học!". Cũng tại các dãy lớp học này, các cuộc tiếp xúc giữa phóng viên với một số học sinh cũng như với các thầy cô giáo đều phải chịu sự "để mắt" của cán bộ quản sinh. Chính vì vậy mà hầu hết đều ngại ngùng khi cung cấp thông tin và yêu cầu "bảo mật danh tánh" vì sợ ảnh hưởng đến việc học hành, giảng dạy sau này. Nhóm học sinh lớp 11A3 đã từng học chung với Trung cho biết, là lớp trưởng nhưng tính Trung ương bướng, hay kết bè, kết nhóm và tụ tập đánh nhau. Song số học sinh này cũng yêu cầu đừng đưa tên vì sợ bị liên luỵ. Trong khi đó, công an viên Đoàn Bá Hùng cười và lắc đầu khi được nhà trường xác nhận 5 học sinh của vụ việc này đều là học sinh có đạo đức tốt. Và anh cũng cho biết thêm, thời gian gần đây, tình hình an ninh trật tự khu vực trường THPT Hắc Dịch khá phức tạp. Nổi rộ lên là hiện tượng học sinh nam của trường trốn học, cúp tiết, chơi bời lêu lổng, tụ tập quán sá đánh bài, thụt bi da, uống cà phê, thậm chí bày bàn nhậu tại các quán nước. Sau mỗi buổi học, công an xã phải luôn bám sát, nhắc nhở, thậm chí phải "đuổi" các em mới về nhà…

Một thầy giáo dạy tiếng Anh cũng có cùng nhận xét này và cho rằng, trên thực tế có một số học sinh chưa ngoan, hư hỏng, hay tụ tập đánh nhau, nói năng hỗn láo với người lớn, thầy cô nhưng hầu hết đều phải "lơ", vì "làm căng" thì "thiệt thân". Có giáo viên cho rằng, chung quanh  vụ 5 học sinh đánh thầy có rất nhiều ý kiến khác nhan. Có người muốn xử lý nghiêm để làm gương, nhưng cũng không ít người muốn "khép lại vụ việc" vì sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, mất điểm thi đua của nhà trường, nhất là vào thời điểm chuẩn bị tổng kết năm học. Ngay cả một số người trong gia đình giáo viên Bùi Văn Tiền, nạn nhân của vụ hành hung đáng lên án này cũng đang muốn "cho qua" vì sợ bị trả thù, vì con, em mình còn sống, làm việc ở đây lâu dài, không lẽ "làm cho lớn chuyện rồi bỏ nghề?". Nhiều thầy cô giáo rất không đồng tình với thái độ này nhưng luôn nhắc nhở phóng viên rằng ý kiến của họ "chỉ là chuyện ngoài lề, trao đổi để nhà báo biết vậy, đừng đưa danh tánh lên báo làm gì".

Câu chuyện thứ hai chúng tôi xin dẫn ra đây để kết thúc bài viết này. Một thầy giáo dạy Vật Lý khoảng ngoài 40 tuổi đang ngồi nghỉ giữa tiết tại phòng giáo viên sáng 14-5 chỉ tay vào cái ly uống trà nhỏ nằm trên  bàn nói với chúng tôi: "Đây là cái ly, nhưng có khi các anh chị phải  gọi nó là cái chén, mặc dù biết rõ nó chính là cái ly. Sự thật cũng vậy, không  phải lúc nào cũng có thể gọi đúng và gọi thẳng tên nó ra…".

Trở lại với vụ việc 5 học sinh đánh thầy giáo tại trường THPT Hắc Dịch, chúng tôi cho rằng, dù cố ý hay vô tình, dù có tổ chức hay tức thời  hành động bồng bột, thiếu suy nghĩ, nhưng suy cho cùng, cái cách dùng bạo lực để hành xử như thế là điều không thể chấp nhận được trong việc giải quyết mối quan hệ người và người, huống gì đây là cách hành xử của những thanh niên trẻ, đang được nuôi dưỡng, giáo dục trong vòng tay của cha mẹ, thầy cô. Đánh trọng thương người để "hả giận" là điều cần lên án, xử lý nghiêm minh, nhưng lẽ nào sự thật này lại khó có thể được gọi đúng tên?

Đỗ Hoàng-Hoài Nam

Kỳ 1: HỌC SINH ĐÁNH “HỘI ĐỒNG” THẦY GIÁO VÌ NHẬN DIỆN NHẦM?

.
.
.